Cụ thể, lúc 8h34 sáng nay (14/10), giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết cao nhất ở mức 70,4 - 71,62 triệu đồng/lượng (giá mua - bán trên thị trường Hà Nội), tăng 600.000 đồng/lượng và 1,48 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng nay.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 10 phút, giá đã được điều chỉnh lại mức 69,70 - 71 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Hiện, giá vàng tại Doji cũng đang được niêm yết ở mức 69,6 - 71 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 250.000 đồng/lượng (mua vào) và 800.000 đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng trong nước đang tăng rất mạnh, vượt đỉnh cao nhất một năm qua do giá vàng thế giới hôm nay tăng đột biến.
Đầu giờ sáng nay, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 1.932 USD/ounce, tăng 62 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.941 USD/ounce.
Giá vàng tăng vọt khi diễn biến trong cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas căng thẳng hơn.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến này sẽ tiếp tục tác động tới cả giá dầu thô và giá vàng, khiến cả hai mặt hàng này đều tăng giá. Trong bối cảnh đó, vàng là kênh trú ẩn an toàn với các nhà đầu tư.
Theo Bart Melek, Trưởng phòng Chiến lược hàng hóa tại TD Securities, hoạt động mua vàng mạnh mẽ và bền vững của các ngân hàng trung ương sẽ chính là động lực chính đẩy kim loại này lên mức cao mới trong năm tới.
Melek hy vọng nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương sẽ vẫn tốt trong các năm tiếp theo.
Cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới năm 2023 được công bố gần đây cho thấy có khoảng 24% ngân hàng trung ương ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.
Các chuyên gia đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% trước khi buộc phải cắt giảm lãi suất. Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch đánh giá Fed có 38% khả năng tăng lãi suất vào tháng 12, so với khoảng 28% khả năng trước khi công bố báo cáo.
Ông Edward Moya, chuyên gia tại Oanda, dự báo giá vàng có thể giao dịch trong phạm vi 1.860 - 1.920 USD/ounce trong thời gian tới.