Ba nhân vật đứng đằng sau nỗ lực phát triển thiết bị này đều là những nhân vật nổi tiếng: Sam Altman của OpenAI, Jony Ive – cựu thiết kế trưởng của Apple và Masayoshi Son của quỹ đầu tư SoftBank.
Kể từ khi thành lập OpenAI vào năm 2015 rồi tung ra ChatGPT vào cuối năm ngoái, Sam Altman đã tìm cách đưa trí tuệ nhân tạo của công ty vào trong hình thù một thiết bị mới có thể đem theo trên người. Thiết bị đó như thế nào sẽ là nhiệm vụ của Jony Ive, người từng thiết kế iPhone, iPad và MacBook Air cho Apple. Kể từ khi rời bỏ Apple vào năm 2019, Ive luôn trăn trở về một thiết bị mới mang tính cách mạng như chiếc iPhone.
Theo các nguồn tin được tờ New York Times trích dẫn, hai nhân vật này cùng đội ngũ của họ đang tìm cách cho ra đời một thiết bị sẽ kế nhiệm chiếc điện thoại di động nhưng không còn bị ràng buộc bởi chiếc màn hình nữa, bởi nó sẽ như chiếc hộp chứa trí thông minh nhân tạo của ChatGPT luôn có sẵn để phục vụ người cầm nó trong tay. Thay vì nhìn vào màn hình để đọc tin, có thể hỏi máy “hôm nay có tin gì đáng chú ý?”; thay vì cuộn lên để đọc các trang trên mạng xã hội, cứ yêu cầu máy cho biết bạn bè chúng ta đang làm gì, đang viết gì, đang cãi nhau về chuyện gì…
Các nguồn tin nói dự án đang ở giai đoạn sơ khởi nhưng cả Altman và Ive đã định hình được một số ý tưởng và đã nhận được cam kết vốn đầu tư lên đến 1 tỉ đô la Mỹ từ SoftBank, quỹ đầu tư hàng đầu từ Nhật Bản. Với sự hỗ trợ của SoftBank, Altman và Ive có thể tận dụng nguồn lực từ Arm, hãng thiết kế chip mà Masayoshi Son đã mua lại vào năm 2016 và mới lên sàn chứng khoán.
Chưa rõ cấu trúc của pháp nhân nghiên cứu thiết bị AI này sẽ như thế nào. Hiện nay OpenAI của Altman đóng tại San Francisco với chừng 400 nhà nghiên cứu, kỹ sư và nhân viên trong khi hãng thiết kế của Ive, mang tên LoveFrom có chừng ba chục nhà thiết kế công nghiệp và viết phần mềm cùng một số kỹ sư.
Kể từ khi OpenAI tung ChatGPT ra thị trường vào tháng 11-2022, rất nhiều công ty đã tìm cách tích hợp AI tạo sinh này vào sản phẩm của họ để tự động hóa nhiều loại công việc như trả lời khách hàng, viết email phản hồi, soạn kế hoạch tiếp thị, ngay cả viết phần mềm cho máy tính. Nhiều chuyên gia công nghệ tin rằng công nghệ AI tạo sinh sẽ sớm cho ra đời một hình thức giao tiếp mới; thay vì gõ vào máy tính hay điện thoại di động các câu nhắc, sẽ có một loại thiết bị mới, có thể sẽ đơn giản như chiếc vòng đeo tay, tấm lắc treo ở trước ngực hay cặp kính y như kính râm nhưng sẽ hoạt động như một thư ký giỏi việc, có khả năng trả lời mọi câu hỏi, kể cả hỏi bằng lời hay bằng hình ảnh.
Altman đã từng đầu tư vào một công ty theo đuổi ý tưởng này, hãng Humane do hai cựu kỹ sư của Apple sáng lập. Quan điểm của họ là lịch sử máy tính là lịch sử làm nó nhỏ dần, từ chỗ lớn bằng căn phòng nay chỉ còn nằm gọn trong lòng bàn tay và nhiệm vụ của họ là làm nó biến mất hẳn luôn. Sản phẩm đầu tiên của Humane sẽ ra mắt vào cuối năm này.
Altman muốn phát triển một thiết bị mới, không chỉ như một bước tiến hóa của công nghệ thông tin mà còn do không muốn phụ thuộc vào Apple hay Google để có phương tiện cho sản phẩm của OpenAI hoạt động. Dựa vào nền tảng của Apple hay Google sẽ kéo theo nhiều ràng buộc và hạn chế, kể cả doanh thu quảng cáo và tỷ lệ hoa hồng. Nhưng con đường làm ra thiết bị mới là con đường đầy khó khăn; cả Amazon và Facebook đều thất bại không thể làm ra chiếc điện thoại di động của riêng họ.
Nếu có một ai có thể đẻ ra sản phẩm mới thì đó là Jony Ive; chính ông là lực đẩy đằng sau dự án sản xuất chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch, sản phẩm nổi bật duy nhất Apple làm ra kể từ ngày Steve Jobs qua đời vào năm 2011. Sản phẩm Ive đang ấp ủ cùng Altman, với tiền đầu tư của SoftBank được mệnh danh là “chiếc iPhone của trí tuệ nhân tạo” sẽ như thế nào, liệu có thay thế nổi chiếc điện thoại di động, có thật sự là người trợ lý thông minh đeo theo bên người hay không là những câu hỏi chưa thể sớm có câu trả lời. Nhưng sự tiến hóa nhanh chóng của loài người ắt sẽ dẫn dắt họ đến ngày ngẩng cao đầu khỏi màn hình bé xíu để nhìn vào chỗ khác.