Ngân hàng Nhà nước đã “hút” ròng hơn 200.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 17 phiên giao dịch từ ngày 21/9 – 13/10/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ’hút’ ra khỏi hệ thống hơn 200.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Mặc dù lượng hút ròng lớn nhưng thanh khoản trong hệ thống vẫn đang khá dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước đã “hút” ròng hơn 200.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút “ròng“ ra khỏi hệ thống hơn 200.000 tỷ đồng.

Ngày 13/10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra 20.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,95%/năm, tăng nhẹ so với mức 0,9%/năm của phiên trước đó.

Như vậy, sau 17 phiên giao dịch từ ngày 21/9 – 13/10/2023, Ngân hàng Nhà nước đã “hút” ra khỏi hệ thống 205.694 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Mặc dù lượng hút ròng lớn nhưng thanh khoản trong hệ thống vẫn đang khá dồi dào. Điều này được phản ánh thông qua mức lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng chỉ nhích tăng, thậm chí có xu hướng giảm trong những phiên gần đây.

Cụ thể, mức lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm áp dụng từ ngày 11/10 đạt 0,37%/năm, thấp hơn mức 1,14% được Ngân hàng Nhà nước áp dụng vào cuối tuần trước. Tương tự, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần cũng giảm từ 1,33%/năm xuống còn 0,58%/năm.

Trong khi đó, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn neo ở mức cao. Chốt phiên giao dịch hôm nay (13/10), ba ngân hàng lớn hàng đầu hệ thống là Vietcombank, BIDV và VietinBank đồng loạt niêm yết giá bán USD dao động từ 24.605 - 24.665 đồng/USD.

Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định việc Ngân hàng Nhà nước quay lại trạng thái hút ròng thông qua phát hành tín phiếu không đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ đảo chiều theo hướng thắt chặt, và đây là hoạt động nghiệp vụ bình thường của các ngân hàng trung ương, chủ yếu nhằm điều tiết thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống.

SSI Research cho biết, mặc dù thời điểm hiện nay và giai đoạn tháng 6/2023, Việt Nam đều chịu áp lực tỷ giá - một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu nhưng bối cảnh hiện nay đã có nhiều sự khác biệt với hồi tháng 6/2022.

Thứ nhất, về cơ chế đấu thầu: Phát hành tín phiếu trong giai đoạn tháng 6/2022 là đấu thầu theo khối lượng (và sau đó mới chuyển thành đấu thầu lãi suất), trong khi đó đấu thầu lãi suất được sử dụng trong 5 ngày vừa qua. Lãi suất phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước năm nay gần như tương đương giai đoạn bắt đầu phát hành vào năm ngoái (với kỳ hạn dài hơn), tuy nhiên bản chất lại tương đối khác nhau nếu xem xét chi tiết.

Cụ thể, thanh khoản tại các ngân hàng đều dồi dào, nguyên nhân của vấn đề này trong năm nay lại khác nhiều so với năm trước. Trong năm 2022, nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng chạm mức trần hạn mức từ giữa năm thì năm 2023 vấn đề tín dụng tăng chậm là do kinh tế tăng trưởng chậm lại (tăng trưởng tín dụng tại ngày 15/09/2023 chỉ ở mức 5,5% so với đầu năm (cuối tháng 8/2023: 5,3%).

Đáng chú ý, một điểm khác biệt quan trọng so với năm ngoái là trong khi mục tiêu chung là nhằm giảm áp lực lên tiền Đồng, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm 2023 (thay vì bán dự trữ ngoại hối như năm 2022), nhằm hạn chế ảnh hưởng dài hạn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, về tỷ giá: Khác với năm ngoái, mức độ biến động tỷ giá trên thị trường ngân hàng và chợ đen cho thấy chênh lệch cung - cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường ngân hàng – nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các ngân hàng thương mại. Vị thế ngoại tệ trên hệ thống vẫn chưa gặp quá nhiều áp lực nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Biến động tỷ giá USD/VND (giá chào bán - giá chào mua) qua các tháng. (Nguồn: SBV, Bloomberg, CEIC, SSI Research)

Một điểm tích cực khác là vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung thêm 6 tỷ USD trong giai đoạn 6 tháng đầu năm (tương đương 130.000 tỷ đồng bơm vào thanh khoản hệ thống ngân hàng). Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng phương pháp đối ứng tiền tệ (currency sterilization) dưới hình thức phát hành tín phiếu nhằm kiểm soát thanh khoản hệ thống tại thời điểm đó, việc bơm ngược trở lại sau 3 tháng giúp hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái dồi dào từ thời điểm đó, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.

Do đó, SSI Research cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu ở thời điểm hiện tại có thể là bước đi ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là nhằm kiểm tra thanh khoản toàn hệ thống và có những đánh giá cho mức lãi suất phù hợp trên thị trường 2 để hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật