Đoàn thể thao Việt Nam (337 vận động viên, tranh tài 31/40 môn) đã kết thúc ASIAD 19 với thành tích 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng.
Kết quả này được xem là hoàn thành chỉ tiêu đề ra trước giờ lên đường là giành từ 2 đến 5 huy chương vàng. Tuy vậy, nhìn lại 14 ngày tranh tài chính thức, thể thao Việt Nam có nhiều điều nuối tiếc.
Cục trưởng Cục thể dục thể thao kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt chỉ ra, điển hình cho sự tiếc nuối này là việc tay đua Nguyễn Thị Thật – đương kim vô địch châu Á – chấn thương và mới chỉ tập luyện trở lại được 1 tháng trước ASIAD nên phong độ chưa đạt 100%.
Tương tự là những Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh (boxing), Hoàng Thị Mỹ Tâm, Đỗ Thanh Nhân, Nguyễn Thị Ngoan (karate), Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh (bắn súng)… hoặc chấn thương, hoặc gặp vấn đề về phong độ, tâm lý nên kết quả không như ý.
“Mặc dù đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đoàn thể thao chưa đạt thành tích như mong đợi, thay mặt lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam tôi gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ và mong rằng trong thời gian tới thể thao Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, người hâm mộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam”, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nói.
Trên cương vị người đứng đầu Cục thể dục thể thao, ông Đặng Hà Việt cho rằng thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh diễn ra giữa những nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản (như bảng tổng sắp Olympic Tokyo 2020), còn tại ASIAD là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (top 3 quốc gia dẫn đầu huy chương ASIAD 19).
“Các nền kinh tế lớn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao. Đó là sự đầu tư, sự áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, việc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư cho thể thao thành tích cao... Còn với chúng ta, để thể thao đạt thành tích như mong muốn cần thêm nhiều yếu tố, từ đầu tư tới công tác đào tạo, tuyển chọn, hệ thống các giải đấu”, Cục trưởng Cục thể dục thể thao Đặng Hà Việt chỉ ra.
Theo ông Đặng Hà Việt, quy trình để đào tạo một tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm, đôi khi trong hàng ngàn vận động viên tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới có được một tài năng cấp châu lục và thế giới. Việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cách làm việc khoa học, bài bản.