Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.154,15 điểm, sau khi mất 38,9 điểm trong cả tuần, tương ứng giảm 3,26%. (
Thị trường chứng khoán có tuần thứ 3 điều chỉnh. Theo đó, VN-Index đã có thời điểm xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.150 điểm. Thậm chí, áp lực bán có thời điểm đe dọa tới xu hướng đi lên, khi VN-Index kiểm định mốc 1.135 điểm. Diễn biến thực tế cũng cho thấy những nỗ lực phục hồi, giúp chỉ số chốt tuần giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Cụ thể, VN-Index đã đóng cửa ở 1.154,15 điểm, sau khi mất 38,9 điểm trong cả tuần, tương ứng giảm 3,26%.
Nhịp điều chỉnh thứ hai
Nhìn nhận diễn biến thị trường trong đợt vừa qua, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng về ngắn hạn, VN-Index đang trong nhịp điều chỉnh thứ hai khi gặp ngưỡng cản 1.250 điểm.
Theo ông Thành, nhịp điều chỉnh này là cần thiết. Song, biên độ điều chỉnh trong các phiên vừa qua là rộng hơn so với dự báo. Điều này làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn, do vậy thị trường sẽ cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới.
“Rất có khả năng, các nhịp hồi phục sắp tới chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật đi kèm theo các nhịp điều chỉnh để hình thành nền tảng chặt chẽ dần,” ông Thành chia sẻ.
Về góc nhìn kỹ thuật, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank cũng cho rằng áp lực bán về gần cuối phiên cuối tuần đã khiến cho VN-Index về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên trong trường hợp tích cực, VN Index có thể kỳ vọng hướng lên khu vực 1.170-1.175 điểm trong ngắn hạn.
Theo ông Lê Ngọc Hưng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán MBS, đà sụt giảm của VN-Index sẽ có xu hướng chững lại và nhiều khả năng sẽ hình thành vùng cân bằng quanh mức 1.120-1.140 điểm và đây sẽ là vùng hỗ trợ mạnh tương ứng giữa đáy tháng 11/2022 và đỉnh tháng 9/2023.
Hơn nữa, sự hưng phấn dòng tiền giai đoạn vừa qua được thể hiện rõ nét bằng chỉ báo tâm lý tương đương với giai đoạn cuối năm 2020. Vì vậy, ông Hưng cho rằng những nhịp rung lắc mạnh sau giai đoạn tăng giá liên tục là điều bình thường. Hiện tại, VN-Index đã điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong trung hạn.
Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của MBS đưa ra dự báo sau khi vượt thành công trở thành vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn từ 2-3 tuần tới, khả năng thị trường diễn biến theo 2 kịch bản. Xác suất 75%: VN-Index sẽ tích lũy quanh khu vực 1.120-1.140 điểm, trước khi bứt phá ở giai đoạn tiếp theo. Khi chỉ số tích lũy tại ngưỡng này, đây là khoảng thời gian cần thiết để các nhóm cổ phiếu có thể tìm được vùng cân bằng và tạo mặt bằng giá mới sau giai đoạn tăng mạnh từ giữa năm.
Bên cạnh đó, xác suất 25%: VN-Index sẽ di chuyển chậm chạp tăng dần đều để kiểm nghiệm vùng giá 1.195-1.205 điểm, sau đó đó tích lũy quanh ngưỡng này.
X u hướng tăng trưởng trung hạn được duy trì
Về phân tích cơ bản, chuyên gia SHS chỉ ra tình hình kinh tế vĩ mô ghi nhận tăng trưởng GDP trong quý 3 có sự cải thiện hơn các quý trước đó và đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, với kết quả GDP 9 tháng tăng 4,24% thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% đang gặp rất nhiều thách thức. Trước đó, các tổ chức quốc tế cũng phát đi những quan điểm khá thận trọng về tăng trưởng GDP của cả năm, cụ thể: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo 5,8%, UOB dự báo 5,2%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo 4,7%.
Với tình trạng vĩ mô hiện tại, ông Thành cho rằng nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi. Do vậy, thị trường có động thái chững lại, tiếp tục tích lũy để chờ những chuyển động vĩ mô tiếp theo là vận động phù hợp.
Theo ông Thành, trong trung và dài hạn, mặc dù xu hướng tăng trưởng vẫn được duy trì, tuy nhiên thị trường cần tiếp tục vận động tích cực trên ngưỡng 1.150 điểm để củng cố nền tảng và xu hướng. Vì vậy, thị trường xuất hiện nhịp hồi phục, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng do VN-Index cần có thêm thời gian để tích lũy chặt chẽ, hình thành nền tảng tích lũy mới. Và, các nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã được giải ngân và cơ cấu danh mục tốt hơn tại thời điểm “chân sóng,” như hiện nay.
Có quan điểm tương đồng, ông Hưng (MSB) cho rằng thời điểm này là cơ hội tích lũy dài hạn khi định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn.
Cụ thể, ông Hưng chỉ ra đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa định giá VN-Index xuống mức xấp xỉ 13.5 lần P/E [Hệ số giá trên lợi nhuận] và thấp hơn 10% so với P/E trung bình 3 năm gần đây. Ngoài ra, đặt trong mối tương quan giữa thị trường và và lãi suất, hiện lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương giai đoạn COVID-19, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 16,7%.
Do vậy về dài hạn, báo cáo của MBS khuyến nghị những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn.
Thứ nhất, mặc dù tình hình vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc song nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi từ quý 3 năm nay nhờ sản xuất tiếp tục mở rộng, xuất khẩu thu hẹp đà giảm, trong khi dịch vụ du lịch vẫn duy trì đà tăng ổn định.
Thứ hai, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường này.
Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành trong năm nay, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam.
“Vì vậy, định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn,” ông Hưng chia sẻ