FTSE Russell ngày 28-9 đã công bố kết quả xếp hạng thị trường tháng 9-2023. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market). Điều đó có nghĩa thị trường Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên (Frontier Market).
Theo FTSE Russell, Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp do thị tường chứng khoán vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu thanh toán được quy định.
Đọc thêmCụ thể, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)" – vốn đang ở được xếp ở mức "hạn chế" (Restricted). Điều này là do thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch, theo đó phải đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch.
Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục "thanh toán – chi phí liên quan tới giao dịch thất bại" chưa được đánh giá (unrated).
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.
FTSE Russell cho biết: "Mặc dù kế hoạch cải tổ thị trường vẫn tiến triển chậm nhưng các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết đẩy mạnh quá trình này. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tích cực tìm kiếm các giải pháp khả dĩ về vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)".
Trong báo cáo về triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty Chứng khoán SSI nhận định việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại vị thế mới, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư.
Quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý mà còn từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.