Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu chốt phiên giao dịch cuối tuần này là 613 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 598 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, cùng giảm đến 30 USD/tấn so với mức giá đỉnh được xác lập ngày 31-8.
Không chỉ gạo Việt Nam mà gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan cũng giảm về mức 611 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 608 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Đáng chú ý, thị trường thế giới đang có nhiều thông tin tích cực đối với người bán. Chẳng hạn, Philippines bỏ chính sách áp giá trần, Indonesia mở thầu 300.000 tấn gạo, Việt Nam chưa đến vụ thu hoạch chính... Vậy, vì sao giá gạo xuất khẩu lại giảm?
Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo quốc tế, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh là do cầu giảm.
Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam - đang mua hàng chậm lại vì thương nhân đang chờ chính phủ chốt phương án giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 35% xuống 10% như đề xuất. Mức giảm thuế suất khá mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của thương nhân. Trong khi đó, tạm thời thương nhân vẫn còn hàng để cung cấp ra thị trường nên chưa vội mua vào.
Tương tự, thị trường châu Phi và Trung Quốc vẫn còn tồn kho nên cũng nhập khẩu ở mức hạn chế trong bối cảnh giá lúa gạo bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua.
"Giá gạo tuy có giảm so với giá đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Ví dụ, gạo 5% tấm hiện nay có giá cao hơn so với trước ngày 20-7, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu. Đây vẫn là mức giá rất tốt. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao" - bà Hương nhận định.
Một lãnh đạo VFA cho hay thị trường đang gián đoạn trong thời gian ngắn để khớp giá. Thực tế, dù cần hàng nhưng khi giá bị đẩy quá cao, các nhà nhập khẩu cũng không dễ dàng chấp nhận. Xu thế chung là giá gạo trong thời gian tới vẫn ở mức cao khi nhiều nước bị mất mùa, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến còn kéo dài đến năm 2024.