Kinh tế Trung Quốc vẫn dồi dào hy vọng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phép màu kinh tế của Trung Quốc đã kết thúc?... Chắc chắn là ’không’.
Kinh tế Trung Quốc vẫn dồi dào hy vọng
Các phương tiện sử dụng năng lượng mới chuẩn bị xuất khẩu, nằm trong một kho cảng ở tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Truyền thông Trung Quốc mới đây lên tiếng phản biện thông tin rằng, “nền kinh tế Trung Quốc khả năng rơi vào bẫy giảm phát, hứng chịu nhiều hệ quả sau “đại dịch Covid kéo dài” hoặc phải đối mặt với “thời điểm Lehman” trong tương lai gần.

Động lực của nền kinh tế toàn cầu

Bài viết trên Tân Hoa xã (THX) lấy dẫn chứng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch từ 2020 đến 2022, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,5%, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới khoảng 2%.

Mục tiêu GDP của Trung Quốc khoảng 5% trong năm 2023 là có thể đạt được bất chấp những bất ổn bên ngoài. Trong nửa đầu năm nay, GDP của nước này tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, một tốc độ tương đối mạnh mẽ so với các nền kinh tế lớn khác. Trong Triển vọng kinh tế thế giới được cập nhật vào cuối tháng Bảy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% và chiếm một phần ba tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Theo THX, “nền kinh tế Trung Quốc rộng lớn, đủ kiên cường và sôi động để vượt qua những thách thức trong và ngoài nước, tiếp tục tăng trưởng và đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu, như trong bốn thập kỷ qua”.

Bởi vậy, tâm lý bi quan về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là không có cơ sở và không chính xác. Chẳng hạn, chưa thể nói có “bẫy giảm phát” trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi trong nửa đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,7%; chỉ số M2 (cung tiền của nền kinh tế) đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 287,3 nghìn tỷ NDT (40,02 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng Sáu. Hiện không có dữ liệu nào cho thấy khả năng giảm phát.

Đáng chú ý, giảm phát thường được đặc trưng bởi mức giá chung giảm liên tục, nguồn cung tiền giảm và suy thoái kinh tế. Trong khi, một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc hồi tháng Bảy cho biết, CPI của nước này có quỹ đạo hình chữ U trong năm nay và sẽ ở mức gần 1% vào cuối năm 2023.

Chỉ số CPI ghi nhận mức giảm 0,3% so với cùng kỳ trong tháng Bảy, đây có lẽ là lý do chính khiến các nhà phân tích phương Tây cho rằng Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát. Tuy nhiên, mức giảm CPI chỉ là tạm thời và phần lớn do tác động của việc giải phóng nguồn cung thực phẩm, trong khi các chỉ số về cầu như CPI hàng hóa và dịch vụ cốt lõi lại phục hồi mạnh mẽ.

Trên thực tế, tình trạng “Covid kéo dài” không tồn tại trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các chính sách nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân được ban hành và mang lại kết quả tích cực. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động ngoại thương trong bảy tháng đầu năm đạt 478.000, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khối tư nhân đóng góp gần 53% tổng ngoại thương của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Trong năm tháng đầu năm 2023, 3,76 triệu doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập ở Trung Quốc, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái và nhanh hơn 6,5 điểm phần trăm so với quý đầu tiên. Tính đến cuối tháng Năm, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký cả nước đạt 50,93 triệu.

Một điểm sáng cần phải nhắc tới là chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 77,2% tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm, tăng 46,4 điểm phần trăm. Như Hiệu trưởng Học viện Du lịch Trung Quốc Dai Bin đánh giá, mùa Hè năm nay là giai đoạn thị trường du lịch sôi động nhất trong năm năm qua. Đất nước Vạn Lý Trường Thành chứng kiến 1,8 tỷ chuyến du lịch nội địa, thu về doanh thu 1,2 nghìn tỷ NDT, các điểm đến đều ghi nhận lượng khách kỷ lục.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc Chris Torrens, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên.

THX kết luận, những điểm sáng khác nói lên nhiều điều về khả năng phục hồi kinh tế Trung Quốc. Từ tháng Giêng đến tháng Bảy, đầu tư vào các ngành công nghệ cao tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm, xuất khẩu ô tô điện, pin lithium và tấm pin mặt trời tăng 61,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệu quả kinh doanh đang được cải thiện. Doanh thu hoạt động và lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SSE) tăng lần lượt 12,3% và 10,54% trong quý II so với quý I/2023.

“Hạ cánh cứng”?

“Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và trên đà đi lên. Với nền tảng vững chắc đã có trong nửa đầu năm và các biện pháp mới có hiệu lực, Bắc Kinh có thể giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay. Khi đẩy mạnh nỗ lực hiện đại hóa, Trung Quốc vẫn là nguồn hy vọng và cơ hội dồi dào cho sự phát triển của các nước khác”, thông tin từ THX khẳng định.

Tuy vậy, Bloomberg Economics vừa dự báo, Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức hơn trong hành trình trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phải đến giữa thập kỷ 2040, GDP mới có thể cao hơn của Mỹ, thay vì thập kỷ 2030 như dự đoán trước đây.

Năm 2022, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%. Hiện nền kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm 2030 và đến năm 2050 chỉ còn gần 1%, giảm hơn nhiều so với dự đoán trước đó, lần lượt là 4,3% và 1,6%.

Dù nhiều số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây gây thất vọng, nền kinh tế nước này vẫn có cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà Bắc Kinh đề ra cho năm nay, miễn là cuộc khủng hoảng bất động sản không trở nên nghiêm trọng hơn. Giới chức Trung Quốc hài lòng khi chứng kiến các ngành công nghệ cao như ô tô điện phát triển tốt.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS, bà Wang Tao nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem việc tạo công ăn việc làm là cách tốt nhất để thúc đẩy tiêu dùng, và tin rằng cách tốt nhất để thúc đẩy việc làm là hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm thuế. Bởi vậy, UBS duy trì quan điểm Bắc Kinh sẽ kích cầu “có trọng điểm” thay vì ồ ạt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật