Mỗi môn 5-6 điểm đỗ đại học
Phương thức xét tuyển bằng học bạ trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây là phương thức được nhiều trường sử dụng, dành phần lớn chỉ tiêu.
Theo ghi nhận, năm 2023, nhiều trường đại học trên cả nước vẫn dành số chỉ tiêu lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp có sử dụng kết quả học tập cấp THPT.
Hiện nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ THPT, trong đó một số trường có điểm chuẩn phương thức xét tuyển này là 15 điểm. Như vậy, mỗi môn có điểm học bạ 5 điểm là thí sinh đã đỗ đại học.
Có thể nhắc đến như Trường Đại học Hùng Vương TP HCM lấy điểm chuẩn 15 điểm cho tất cả các ngành đào tạo. Trường Đại học Kiên Giang, có 7 ngành lấy điểm chuẩn 15. Hầu hết các ngành này đều thuộc nhóm công nghệ, nông nghiệp. Trường Đại học Gia Định có điểm chuẩn xét tuyển học bạ đối với chương trình đại trà là 16,5 điểm. Như vậy, mỗi môn có điểm học bạ 5,5 điểm là trúng tuyển đại học.
Cao hơn một điểm, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh có mức điểm chuẩn xét tuyển sớm là 18 điểm cho tất cả các ngành ở cả hai phương thức: Xét theo tổ hợp 3 môn lớp 12 và xét theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.
Điểm chuẩn Trường Đại học Văn Lang dao động từ 18 đến 24 điểm. Trong đó, các ngành thuộc khối Sức khỏe mức điểm chuẩn từ 19,5 đến 24 điểm.
Ngành quan hệ Công chúng và ngành Truyền thông Đa phương tiện điểm chuẩn là 20, ngành Marketing điểm chuẩn là 19. Các ngành học còn lại có mức điểm chuẩn là 18 điểm.
Theo công bố của Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn xét tuyển sớm theo hai phương thức xét tuyển học bạ THPT đợt 1 năm 2023 cho 59 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy dao động từ 18 đến 24 điểm tùy từng ngành.
Cụ thể, điểm chuẩn ngành Dược là 24 điểm, các ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học là 19,5 điểm. Tất cả các ngành còn lại mức điểm chuẩn 18 điểm. Mức điểm chuẩn này đã bao gồm điểm ưu tiên.
Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố điểm chuẩn học bạ năm 2023 đợt 1 – phương thức xét tuyển sớm. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) là ngành Truyền thông đa phương tiện với mức 25 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.
Ngành Công tác xã hội và ngành Giới và phát triển có mức điểm trúng tuyển thấp nhất là 18 điểm. Các khối ngành còn lại, điểm chuẩn dao động từ 20 đến 22 điểm.
Điều kiện xét tuyển học bạ
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) lưu ý thí sinh, việc xét tuyển sớm vào các trường đại học không đảm bảo các em sẽ trúng tuyển vào trường đó.
Kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Như vậy, điều kiện tiên quyết để được xét tuyển học bạ đó là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, điều kiện xét tuyển học bạ 2023 của mỗi trường sẽ khác nhau, về cơ bản có các hình thức xét tuyển như sau: Xét học bạ dựa trên kết quả học tập năm lớp 12; Xét học bạ dựa trên điểm trung bình học tập của cả 3 năm học THPT của thí sinh; Xét học bạ dựa trên tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; Xét học bạ dựa trên điểm trung bình cả 3 năm học THPT của từng môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; Xét học bạ dựa trên 5 học kỳ THPT.
Bộ GDĐT lưu ý, các trường chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến, chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên do Bộ GDĐT thông báo.
Bên cạnh đó, các trường phải thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.
Đặc biệt, các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…). Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được cơ sở đào tạo thông báo kết quả xét tuyển và đưa lên hệ thống để thí sinh chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển.