Đó là tình huống và cảm xúc của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, khi bệnh nhân mang hai hộp thuốc mua xách tay, nguồn gốc từ Afghanistan và Bangladesh nhờ ông xem.
Nhiều loại thuốc rẻ hơn nhưng bệnh nhân ở Việt Nam chưa được tiếp cận
Bề ngoài hộp thuốc có hoạt chất giống với các thuốc (biệt dược gốc) nhưng để biết rõ thành phần, hàm lượng phải mang thuốc này đi xét nghiệm. Người bệnh sẽ không có chi phí để thực hiện việc này. Hơn nữa, khi thuốc chính quy đắt đỏ, BHYT không chi trả, chi phí có thể lên tới 50 triệu đồng/tháng, người bệnh có xu hướng chọn thuốc có hoạt chất tương đương nhưng chi phí 5-7 triệu đồng/tháng.
Thực tế quan sát, bác sĩ Vũ nhận thấy có bệnh nhân uống thuốc hiệu quả. Tuy nhiên, có bệnh nhân uống lại không hiệu quả. Vì vậy, ông cho rằng trong khi chính sách đăng ký lưu hành thuốc và BHYT không chi trả, người bệnh sẽ tự tìm “cánh cửa” thuốc xách tay để kéo dài hy vọng sống.
Ví dụ, thuốc đích điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ đã có thế hệ 1, 2, 3. Về lý thuyết, thuốc thế hệ cao sẽ tốt hơn. Do đó, có bệnh nhân tìm mua thuốc thế hệ 3 nguồn gốc không rõ ràng, khi vào viện tình trạng bệnh lại nặng hơn. Bác sĩ Vũ phải cho phác đồ điều trị lại thuốc thế hệ cũ, khi đó tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định dần. Ông nghi ngờ đây là thuốc trôi nổi.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ trăn trở vì thuốc thế hệ mới dành cho người bệnh ung thư.
Ông đề nghị cơ quan dược phẩm cần cấp phép thêm nhiều thuốc để người bệnh được sử dụng thuốc chính quy, nhiều danh mục thuốc lựa chọn. Các thuốc được đăng ký hiện đang đắt hơn so với thu nhập của người Việt. Hiện có nhiều thuốc giá thành thấp hơn đã được Mỹ, Nhật Bản… cấp phép lưu hành nhưng người bệnh nước ta lại không tiếp cận được.
Thuốc mới vào Việt Nam bị chậm bao lâu?
Liên quan tới vấn đề các loại thuốc mới cho người bệnh ung thư, bệnh nhân tiếp cận còn khó khăn. Trao đổi với báo VietNamNet, một chuyên gia về vận động chính sách dược tại Hà Nội cho biết hiện nay Việt Nam được đánh giá có tiềm năng trong khu vực về thị trường dược phẩm nên các công ty dược đều có các chính sách ưu tiên để tiếp cận với thị trường nước ta. Ngoài ra, về mô hình bệnh tật, các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam trong đó có ung thư đều có các chương trình hỗ trợ giúp người bệnh gia tăng cơ hội tiếp cận các thuốc điều trị này.
Các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho người bệnh chính là một trong các điểm tích cực của Luật Dược 2016 (tại Điều 42) giúp cải thiện khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân Việt Nam đặc biệt đối với những thuốc mới, thuốc có chi phí điều trị cao.
Là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, các chính sách hỗ trợ như tặng theo liệu trình, miễn phí cho người bệnh đang được thực hiện mang lại hiệu quả điều trị và ý nghĩa nhân văn rõ nét.
“Nếu chúng ta có người thân từng bị ung thư, ai cũng có tâm lý ’còn nước còn tát’, đó là quan niệm của người Á đông. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn một cách tổng thể, đảm bảo độ bền vững của quỹ BHYT nhưng vẫn đảm bảo người bệnh được tiếp cận, mua các thuốc chính quy. Hiện tại, việc bệnh nhân tìm thuốc và mua thuốc trôi nổi dẫn tới những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm vì không kiểm soát được chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc”, chuyên gia này nói.
Thực tế, ông chia sẻ nhiều quốc gia tiếng nói của bệnh nhân rất quan trọng. Họ có thể nói về bất cập của những chính sách y tế dành cho họ. Nhưng ở nước ta, điều này còn rất hạn chế khi các câu lạc bộ bệnh nhân còn mang tính tự phát và chưa thật sự tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách liên quan. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cập nhật danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả với các thuốc mới cũng khiến việc đưa vào các thuốc mới vào Việt Nam thêm khó khăn và kéo dài.
Từ năm 2012 đến cuối năm 2021, nếu tính trên tổng 460 thuốc mới được ra đời (được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý dược Châu Âu và/hoặc Cơ quan Quản lý dược Nhật Bản), tỷ lệ hiện diện các thuốc này tại Việt Nam là 9%. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 20%. Tỷ lệ một số nước trong khu vực như Singapore là 27%, Thái Lan 24%, Trung Quốc 24%, Malaysia 22%.
Người bệnh sẽ rất trông đợi vào việc cải thiện thời gian cũng như khả năng tiếp cận của các thuốc mới trong thời gian sắp tới đặc biệt khi Bộ Y tế đang dự kiến sẽ trình dự án sửa đổi Luật Dược 2016 trong năm 2024 để Quốc hội xem xét và thông qua.
Theo tính toán, một thuốc ra đời có thời gian bảo hộ 20 năm. 5 năm đầu là giai đoạn nghiên cứu chưa ra tới thị trường. Sau khi thuốc ra mắt, mất thêm 5 năm các thuốc mới có mặt tại Việt Nam.