Nghị quyết mới cho TPHCM phải “thị trường hơn, tự do hơn và tinh vi hơn”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước thềm khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 vào ngày 22-5 tới đây, trong đó bàn về cơ chế đặc thù cho TPHCM (nghị quyết thay thế Nghị quyết 54), ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Nghị quyết mới cho TPHCM phải “thị trường hơn, tự do hơn và tinh vi hơn”
Một góc TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Là người có nhiều năm nghiên cứu về TPHCM, cảm xúc của ông thế nào khi TPHCM lâu nay luôn gắn với danh hiệu đầu tàu cả nước, nhưng GRDP quý I-2023 cho thấy dấu hiệu tụt dốc?

Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Cảm xúc đầu tiên đó là bức tranh thật, là những số liệu phản ánh đúng thực trạng kinh tế TPHCM, chứ không bất ngờ hay ngạc nhiên. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại khi tăng trưởng của TPHCM ở quý I sụt giảm và thấp hơn mức tăng trưởng cả nước. Bởi TPHCM vẫn là trung tâm kinh tế lớn và luôn là đầu tàu, đóng góp tới 22% trong GDP chung của cả nước. Tăng trưởng của TP thêm 1% là GDP cả nước thêm 0,2 điểm phần trăm, và còn tác động lan tỏa tới nhiều địa phương khác trong vùng.

Kinh tế TPHCM suy giảm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của nhiều tỉnh khác trong vùng. Bởi TPHCM là nơi sản xuất để xuất đi, đồng thời cũng là nơi có tiêu dùng mạnh nhất, sử dụng nhiều lao động ở các tỉnh khác… Tôi e rằng những tỉnh cung cấp nguyên vật liệu, nông sản, thực phẩm cho TPHCM cũng sẽ bị ảnh hưởng và sự ảnh hưởng sẽ bắt đầu từ quý II. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cũng bị ảnh hưởng khi số doanh nghiệp ở TPHCM chiếm hơn 31% số doanh nghiệp cả nước.

- Theo ông những điểm nghẽn, vướng mắc của TPHCM là mới xuất hiện hay do căn bệnh cố hữu từ lâu? Nếu là cố hữu vì sao cho đến nay vẫn tồn tại?

- Kinh tế TPHCM được ví như bức tranh thu nhỏ của nền kinh tế cả nước. Sự sụt giảm của TPHCM, thực tế đã được dự báo từ cuối năm 2022. Đó là khi thị trường bất động sản suy giảm đã làm bộc lộ rõ những điểm nghẽn của TP về hạ tầng, kết nối, tư duy phát triển, cơ cấu kinh tế, thể chế và nguồn lực. Những điểm nghẽn này đã khiến đầu tàu TPHCM những năm gần đây ỳ ạch và đến giờ suy giảm thực sự.

Bên cạnh đó, bộ máy hành chính quá tải, đô thị cũng quá tải, giao thông và kết nối ách tắc. Trong những lần đi thực tế, tôi nhận thấy số hồ sơ công chức các sở, ngành của TP phải xử lý trong ngày bằng số hồ sơ công chức cùng ngành ở những địa phương khác xử lý trong cả tháng, thậm chí vài tháng. Nói cách khác, 1 biên chế ở TPHCM phải phục vụ người dân gấp nhiều lần so với mức chung cả nước, nhưng chế độ tiền lương ở TP lại không khác biệt.

Trong tư duy phát triển không mở ra cho TPHCM không gian phát triển mới thì những điểm nghẽn lâu nay cộng thêm những khó khăn mới càng làm cho sự phát triển của TP giảm sút. Và sự phát triển này không chỉ riêng cho TP, mà phải nhìn ra cả không gian phát triển của vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL… Cần nhìn không gian phát triển của TPHCM như thế, mới tạo được hệ thống giao thông và sự kết nối với các tỉnh bên ngoài.

Cơ cấu kinh tế của TP cũng cần thay đổi. Minh chứng là hiện TPHCM đang có những ngành sử dụng nhiều lao động chi phí thấp, vừa tốn nhiều đất, vừa tăng áp lực về nguồn lao động và hạ tầng, tăng thêm sự quá tải… Chẳng hạn, Cảng Cái Mép - Thị Vải chưa sử dụng hết công suất, trong khi TPHCM vẫn có những cảng khác hoạt động, làm tăng áp lực lên hạ tầng, thêm hỏng đường, thêm ách tắc. Tư duy phát triển theo cách vẫn tiếp tục níu kéo những thứ không còn phù hợp, kém hiệu quả, cản trở xuất hiện các nhân tố mới, ngành nghề mới tương xứng với vai trò và vị thế TP, cần phải bỏ.

Nguồn lực của TP bị lấy đi nhiều, phần được hưởng không tương xứng với nhu cầu phát triển, cũng không đủ nguồn lực để giải quyết các nhu cầu, vấn đề của phát triển. Là đầu tàu kinh tế, nơi đông dân nhất, tập trung nhiều lao động, là trung tâm kinh tế lớn, nhưng đầu tư công của TPHCM tính theo bình quân đầu người có xu hướng giảm và thấp hơn mức trung bình của cả nước. Đây cũng là những điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ cho TPHCM.

- Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đặt trường hợp mặc được “chiếc áo vừa vặn”, liệu TPHCM có trải qua câu chuyện vừa rồi?

- Cả nước đang mang một “chiếc áo” chật và TPHCM là rõ nhất. Có lẽ “chiếc áo” của TP đã quá chật. Chỉ khi nào tạo được thể chế thúc đẩy chuyển đổi được mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, dựa vào năng suất và năng lực cạnh tranh, TPHCM mới phát triển mạnh mẽ và bền vững, lúc đó đất nước mới có thể hướng tới có thu nhập cao vào năm 2045 được.

Câu hỏi đặt ra, cần cơ chế gì, giải pháp gì để cấp bách vực dậy tăng trưởng của TP trong ngắn hạn cũng như duy trì tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn? TPHCM lúc này có cần được cơ chế hỗ trợ khác biệt để có thể lấy lại vai trò đầu tàu kinh tế?

Tôi vẫn cho rằng TPHCM và cả nước cần thể chế mới, là kết quả của làn sóng cải cách lần thứ 2, mà bản chất của nó vẫn là “thị trường, thị trường và thị trường hơn”. Tức chúng ta phải xây dựng thể chế thúc đẩy phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực, thay thế cơ chế phân bố nguồn lực hành chính xin - cho hiện nay. Chỉ khi thị trường có vai trò quyết định hay theo quy luật của nó, sẽ đẩy những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chi phí thấp đến các địa phương khác phù hợp hơn, từ đó nguồn lực sử dụng có hiệu quả hơn.

Cơ chế đặc thù cho TPHCM đã được thực hiện thí điểm 5 năm theo Nghị quyết 54, nhưng chưa tạo được kết quả nào thực sự đáng kể. Kỳ vọng về nghị quyết mới bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới. Theo quan điểm của tôi, nghị quyết mới cho TPHCM phải là nghị quyết tạo được thể chế mới vượt trội. Còn như hiện nay chỉ là “cơi nới” trong cơ chế cũ đã quá chật hẹp.

Nghị quyết mới không phải là nghị quyết chỉ để tháo gỡ một số điểm nghẽn của thể chế hiện hành, mà phải là thể chế mới, khác biệt và vượt trội, chứa trong đó nguồn năng lượng khổng lồ (hoặc ít nhất là đủ mạnh), để TPHCM bứt phá phát triển xứng đáng là đầu tàu có động cơ mạnh của cả nền kinh tế; đồng thời là nguồn sáng kiến đa dạng, mới mẻ thúc đẩy cải cách kinh tế cả nước.

- Xin cảm ơn ông.

Một thể chế với “thị trường nhiều hơn, tự do hơn và tinh vi hơn” sẽ tạo cơ hội, động lực và áp lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước của TPHCM đổi mới sáng tạo, dám nghĩ và dám làm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật