Khoảng 270 tỉ đô la cho vay bất động sản thương mại của ngành ngân hàng Mỹ sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay. rủi ro của khoản cho vay này đang tăng lên khi các chủ cao ốc văn phòng Mỹ chứng kiến tỷ lệ lấp đầy chưa bằng một nửa so với đầu năm 2020. Ảnh: Yahoo Finance
Đã một tháng trôi qua kể từ khi Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở bang California sụp đổ và gây báo động khắp các thị trường tài chính toàn cầu. Cơn hoảng loạn ban đầu đã giảm bớt nhưng căng thẳng vẫn chưa biến mất hoàn toàn.
Mike Mayo, nhà phân tích cấp cao của ngân hàng Wells Fargo, ví von: “Chúng ta đang đi từ trạng thái đèn đỏ nhấp nháy sang đèn vàng nhấp nháy. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải nâng cao nhận thức và cảnh giác với bất kỳ vấn đề nào khác có thể làm suy yếu niềm tin vào ngành ngân hàng”.
Các cơ quan quản lý và nhà đầu tư ở Mỹ chắc chắn vẫn đang cảnh giác cao độ. Ngân hàng SVB đã phát triển chóng mặt, nhưng quản lý rủi ro lỏng lẻo và phụ thuộc quá mức vào các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Lẽ ra, giới chức trách phải nhận ra những bất ổn đó trước khi ngân hàng này sụp đổ. Giờ đây, họ đang giám sát những rủi ro tiềm ẩn tiếp theo trong ngành ngân hàng.
Giới phân tích đang lo ngại 3 rủi ro lớn trong ngành ngân hàng có thể dẫn đến một vấn đề mang tính hệ thống, bao gồm khoản cho vay bất động sản thương mại, danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ đang thua lỗ, và ngân hàng bóng tối (shadow bank).
rủi ro vỡ nợ bất động sản văn phòng
Bất động sản thương mại ở Mỹ, gồm các cao ốc văn phòng, khu phức hợp thương mại – căn hộ, nhà kho và trung tâm thương mại, đang chịu áp lực lớn. Theo Rich Hill, người đứng đầu bộ phận chiến lược bất động sản của Cohen & Steers, mức định giá bất động sản thương mại ở Mỹ có thể giảm khoảng 20 – 25% trong năm nay. Đối với các cao ốc văn phòng, mức định giá có thể còn suy giảm cao hơn, lên tới 30%.
Tài sản văn phòng đặc biệt chịu tổn thương lớn sau khi làn sóng làm việc từ xa bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ bảo mật Kastle, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cao ốc văn phòng tại Mỹ vẫn chưa bằng một nửa so với mức của tháng 3-2020.
Khoảng 270 tỉ đô la cho vay bất động sản thương mại của ngành ngân hàng sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay. Gần 1/3 trong số đó, 80 tỉ đô la, là khoản vay dành cho bất động sản văn phòng.
Các dấu hiệu căng thẳng đang tăng lên. Theo Trepp, công ty cung cấp dữ liệu về bất động sản thương mại, tỷ lệ các khoản vay thế chấp bất động sản thương mại mà bên vay chậm thanh toán đang tăng lên. Các vụ vỡ nợ nghiêm trọng trong lĩnh vực này bắt đầu xuất hiện. Đầu năm nay, một công ty cho thuê bất động sản thương mại thuộc sở hữu của thuộc Công ty quản lý tài sản PIMCO vỡ nợ gần 2 tỉ đô la ở các khoản vay thế chấp 7 tòa nhà văn phòng tại 4 thành phố San Francisco; New York, Boston và Jersey.
Đây là vấn đề tiềm ẩn đối với các ngân hàng, do họ cho vay rộng rãi đối với lĩnh vực này. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính 55% các khoản vay thế chấp cao ốc văn phòng của Mỹ đang nằm trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Ngân hàng khu vực và cộng đồng chiếm 23% tổng số các khoản vay này.
Khoản lỗ trái phiếu trên sổ sách
Vào thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng Mỹ đã đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp. Thông thường, đó là một chiến lược an toàn nếu họ có biện pháp phòng ngừa rủi ro khi những tài sản đó mất giá, điều mà SVB đã không làm.
Nhưng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất mạnh, giá trị của những trái phiếu đó bị xói mòn nhanh chóng.
Các ngân hàng ở Mỹ hiện đang gánh khoản lỗ trên sổ sách, ước tính 620 tỉ đô la ở danh mục đầu tư trái phiếu. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, ví dụ như khách hàng rút tiền ồ ạt, các ngân hàng, chẳng hạn SVB, buộc phải bán lỗ tài sản trái phiếu đó để duy trì thanh khoản.
Các chuyên gia cho biết khoản lỗ sổ sách 620 tỉ đô la chỉ là một ước tính thận trọng. Hiện vẫn chưa rõ ngân hàng nào chịu áp lực hiện thực hóa khoản lỗ đó và liệu rủi ro này có lan rộng ra toàn ngành hay tập trung vào một số ngân hàng nhất định.
Ngân hàng ngầm
Ngân hàng ngầm, hay còn gọi là ngân hàng bóng tối, ám chỉ đến các tổ chức tài chính cho vay tiền (như ngân hàng) nhưng không nhận tiền gửi từ khách hàng. Họ là một nhóm lớn và đa dạng gồm ngân hàng đầu tư, quỹ phòng hộ, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân…
Chắc chắn là họ ở trong bóng tối vì không chịu sự kiểm soát chặt chẽ như các ngân hàng. Các quỹ phòng hộ và các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân cung cấp tài chính cho các công ty non trẻ không tiếp cận được các ngân hàng thông thường.
Họ hoạt động không tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt giống như ngân hàng. Điều này có nghĩa là họ có thể đối mặt nhiều rủi ro hơn. Họ cũng sẽ không nhận được sự hỗ trợ hay giải cứu từ chính phủ nếu rơi vào tình thế bất ổn như SVB.
Khủng hoảng sẽ lan rộng nếu niềm tin bị xói mòn ở ngân hàng bóng tối lẫn ngân hàng thông thường. Một rủi ro lớn là các ngân hàng có thể có mối quan hệ kinh doanh với những tổ chức phi ngân hàng đang gặp khó khăn. Nếu những tổ chức này gặp bất ổn, điều này có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.
“Đây là thời điểm mà các ngân hàng của Mỹ cần củng cố tài sản quan trọng nhất của họ, đó là niềm tin”, nhà phân tích Mike Mayo nói.