Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico giảm, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mexico giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân được nhận định không thực sự đáng lo.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico giảm, doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Ảnh minh họa

Xuất khẩu giảm nhưng không đáng lo

Theo ông Lưu Vạn Khang - Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize), 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 575 triệu USD sang thị trường Mexico, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, riêng mặt hàng máy vi tính, linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico giảm đã kéo giảm đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Nguyên do, sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và Việt Nam không đủ nguyên liệu để cung cấp cho tất cả các thị trường, chỉ tập trung nguồn cung cho một số thị trường lớn như Mỹ. “Tôi tin rằng sau khi tình trạng thậm hụt chip điện tử được giải quyết thương mại Việt Nam - Mexico sẽ bật tăng trở lại”, ông Lưu Vạn Khang nói.

Một số mặt hàng khác cũng nằm trong nhóm giảm kim ngạch như dệt may, giày dép, thủy sản. Theo lý giải, xuất phát từ quy luật thị trường phát triển theo hình sin; nhà nhập khẩu sợ các nhóm sản phẩm này cũng sẽ bị kiện chống bán phá giá như thép cán mạ, thép cán nguội của Việt Nam trong năm 2021, 2022 vừa qua.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mexico, điều đáng mừng là mức thuế áp dụng với mặt hàng thép cán mạ đã được chính quyền Mexico giảm 1,6% so với phán quyết tạm thời, mức cao nhất chỉ hơn 10%.

Máy tính và linh kiện- mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Mexico
Máy tính và linh kiện- mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Mexico
Bên cạnh mặt hàng giảm vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, thậm chí tăng cao. Cụ thể, mặt hàng cà phê tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2022; điện thoại và linh kiện tăng 47,4%; máy móc và thiết bị phụ tùng tăng 17,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 42,9%.

Ông Lưu Vạn Khang cũng cho hay, Mexico là thị trường lớn khoảng 130 triệu dân nhưng có sự chênh lệch giàu nghèo rất đáng kể. 31% dân số trong độ tuổi đi làm, có thu nhập ở mức tối thiểu 200 USD/tháng, nhóm đối tượng có thu nhập trên 1.000 USD/tháng chỉ chiếm 2%. Do vậy, thị trường Mexico có đầy đủ phân khúc khách hàng từ cao cấp đến thấp cấp.

Ngoài ưu điểm trên, Việt Nam và Mexico đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này chính là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Trong Hiệp định CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may.

Lưu ý đặc điểm kinh doanh

Tiềm năng là vậy, tuy nhiên để mở rộng xuất khẩu, tăng thị phần hàng Việt Nam tại Mexico doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần lưu ý tới đặc điểm kinh doanh tại thị trường này.

Nhà phân phối Mexico không nhập khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp mà họ cần sản phẩm đã được đăng ký và đang phân phối tại Mexico. Do vậy, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này phải có đại lý phân phối ở nước sở tại. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mexico cho rằng, đây là cơ hội dành cho các công ty thương mại, công ty lớn có thể mở chi nhánh đại diện tại Mexico sau đó đưa hàng hóa vào các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối lớn.

Bên cạnh đó, có một vài hình thức thâm nhập vào thị trường Mexico doanh nghiệp có thể thực hiện. Trong đó có hoạt động tham gia hội chợ, tuy nhiên với hoạt động này, nếu doanh nghiệp tham gia theo kiểu nhỏ lẻ không có tên thương hiệu đất nước Việt Nam thì rất khó có hiệu quả. Cần tập trung nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức đoàn và làm thành cả khu triển lãm hàng hóa Việt Nam. Như vậy, mới đủ sức tạo dấu ấn và thu hút sự quan tâm, làm quen của người dân Mexico với sản phẩm của Việt Nam.

Để tăng tính nhận diện của hàng hóa Việt tại Mexico, ông Lưu Vạn Khang cũng đề xuất, Cục Xúc tiến thương mại xem xét 2 năm một lần tổ chức đoàn có quy mô 10-15 doanh nghiệp sang tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Mexico. Đồng thời, đề xuất phía Mexico đưa các đoàn doanh nghiệp tương tự sang Việt Nam nhằm giúp hai bên tìm hiểu thông tin, kết nối và tìm cơ hội hợp tác.

Trước đề xuất của Thương vụ Việt Nam tại Mexico, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: Mexico là thị trường xa, chi phí lớn, việc tổ chức đoàn phải phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp. Để có thông tin cho doanh nghiệp biết và tham khảo, đề nghị nửa cuối năm trước Thương vụ gửi danh sách hội chợ năm tới để Cục phổ biến tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và có kế hoạch tổ chức đoàn đi hội chợ ở nước sở tại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật