Khó chấp nhận khi để ô nhiễm bụi ở Long Thành vượt tới 18 lần

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nói về tình trạng ô nhiễm bụi khi xây dựng sân bay Long Thành, chuyên gia cho rằng khó chấp nhận khi chủ đầu tư chỉ quan tâm đến tiến độ dự án mà bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường.
Khó chấp nhận khi để ô nhiễm bụi ở Long Thành vượt tới 18 lần
Ảnh minh họa

Những cột bụi đỏ bốc lên mù mịt ở công trường thi công sân bay Long Thành đang là nỗi ám ảnh của hàng nghìn hộ dân xã Bình Sơn (Đồng Nai). Mặc dù được cảnh báo từ năm 2020, tình trạng bụi đỏ khuếch tán hàng chục km, bám vào mái nhà, vật dụng của người dân vẫn diễn ra suốt nhiều tháng qua.

Trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đã nhiều lần có văn bản yêu cầu ACV phải kiểm soát được nồng độ bụi phát sinh, đại diện ACV lại cho rằng "không thể nào làm mà không bụi và nếu để không bụi thì chỉ có thể giảm thiểu tốc độ thi công".

Trước lý lẽ trên, các chuyên gia cho rằng việc chủ đầu tư và nhà thầu chỉ quan tâm đến tiến độ xây dựng mà bỏ qua yêu cầu về bảo vệ môi trường là khó có thể chấp nhận khi thi công một dự án quan trọng như sân bay Long Thành.

Nồng độ bụi vượt 18 lần cho phép là quá nghiêm trọng

Trao đổi với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định bụi đỏ từ công trình xây dựng sân bay Long Thành bao gồm hai thành phần là bụi thô và bụi mịn, sinh ra từ việc đào bới, san lấp và xe cộ đi lại trên công trường.

Chuyên gia cho biết bụi thô có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường với biểu hiện là các mái nhà, vật dụng của nhà dân bị phủ đỏ, trong khi bụi mịn được biểu hiện bằng những cột bụi bốc lên mù mịt trong công trường.

Đáng lưu ý, đặc tính của bụi là lan truyền theo đường gió. Vì vậy, cùng với bụi thô, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Không chỉ gây ra những bất tiện về sinh hoạt, các nghiên cứu cho thấy bụi mịn có thể đi sâu vào cuống họng, mạch máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Khối lượng bụi khổng lồ khuếch tán từ việc thi công sân bay Long Thành làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong bán kính 10-15 km. Ảnh: Chí Hùng.

Theo ông Tùng, kết quả quan trắc của Sở TNMT tỉnh Đồng Nai về việc nồng độ bụi ở quanh khu vực xây dựng sân bay Long Thành vượt 18 lần quy chuẩn cho phép, cho thấy mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm bụi ở khu vực này.

Dẫn Nghị định 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Tùng cho biết với nồng độ bụi vượt quá quy chuẩn cho phép lên đến gần 20 lần, đơn vị chức năng có thể tạm đình chỉ thi công của dự án, thậm chí có thể truy tố Hình Sự nếu xác định được hậu quả do quá trình xây dựng gây ra cho người dân.

Với nồng độ bụi vượt quá quy chuẩn cho phép lên đến gần 20 lần, đơn vị chức năng có thể tạm đình chỉ thi công dự án

TS Hoàng Dương Tùng

“Đơn vị thi công làm việc nhưng không tính được mức độ ảnh hưởng môi trường, để sự việc xảy ra trong thời gian dài. Trong khi thử tưởng tượng người dân đang sống yên ổn, mà công trình thi công khiến cuộc sống đảo lộn, nhà cửa phải đóng kín suốt nhiều ngày, bụi bám đầy lên đồ ăn và thức uống, quá cực khổ”, TS Hoàng Dương Tùng nói.

Ngoài ra, chuyên gia cho rằng không chỉ với Đồng Nai, cơ quan Trung ương cũng cần lên tiếng và có chỉ đạo rõ với vấn đề này vì đây là dự án lớn. Việc chủ đầu tư chỉ quan tâm đến tiến độ xây dựng mà bỏ qua yêu cầu về bảo vệ môi trường là khó có thể chấp nhận.

“Ở đây, tôi cho rằng đơn vị thi công có thể chưa thực hiện đủ những khuyến cáo của cơ quan chức năng nên mới để xảy ra sự việc kéo dài, đáng tiếc như vậy”, ông Tùng nói.

Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công

Ở góc độ khác, GS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là chủ trương lớn và cần thiết.

Do đó, khi lập dự án, các đơn vị liên quan chắc chắn phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ rõ khả năng tác động, vùng chịu tác động từ việc thi công, xây dựng và các giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng này.

Trong một số trường hợp, chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án phải có trách nhiệm với những người chịu tác động, khắc phục hậu quả do ô nhiễm gây ra

GS Hoàng Xuân Cơ

Vì vậy, chuyên gia cho rằng các đơn vị cần xem xét lại báo cáo ĐTM để biết chủ đầu tư dự án có thực hiện đúng những cam kết đã nêu hay không.

Đồng thời, nếu báo cáo không nêu được những cam kết của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, đơn vị chức năng có thể kiến nghị thực hiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trường hợp cần phải dừng dự án.

Theo GS Cơ, trường hợp báo cáo ĐTM đã nêu rõ biện pháp nhưng quá trình xây dựng không thực hiện, trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị thi công. Với trường hợp này, các cơ quan chức năng có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện giải pháp giảm thiểu tác động môi trường dưới sự giám sát của cộng đồng.

“Trong một số trường hợp, chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án phải có trách nhiệm với những người chịu tác động, giúp họ nguồn lực như kinh phí, thiết bị để khắc phục hậu quả do ô nhiễm gây ra từ việc thi công công trình”, GS Hoàng Xuân Cơ nói.

Bụi từ công trường sân bay Long Thành vượt khỏi khuôn viên dự án và bao phủ một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Chí Hùng.

Nói thêm về báo cáo đánh giá tác động môi trường, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng các yếu tố gây ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án đều đã được tính toán bằng mô hình. Trong đó, các đơn vị sẽ đánh giá với diện tích, khối lượng thi công như vậy có thể phát sinh những vấn đề gì và cần biện pháp gì để giảm thiểu.

Theo đó, sau khi Bộ TNMT đã thẩm định báo cáo trên, trách nhiệm còn lại thuộc về đơn vị thi công. Với trường hợp đơn vị đã thực hiện hết các khuyến cáo mà không ngăn được tình trạng ô nhiễm, dự án sẽ buộc phải dừng thi công để các đơn vị báo cáo, tìm cách giải quyết.

“Trong trường hợp này, nếu đã tưới đủ nước theo khuyến cáo, làm đủ các biện pháp theo yêu cầu mà vẫn ô nhiễm, đơn vị thi công và chủ đầu tư phải có báo cáo cụ thể để cơ quan chức năng đưa ra thêm giải pháp, điều chỉnh kế hoạch thi công. Sau khi có thêm ý kiến chuyên môn thì mới được phép làm tiếp", chuyên gia nhận định.

Về giải pháp ngăn bụi từ những đại công trường xây dựng như sân bay Long Thành, TS Hoàng Dương Tùng cho biết thông thường, cơ quan chức năng sẽ khuyến cáo đơn vị thi công tưới nước thường xuyên để làm ẩm đất, ngăn bụi bốc lên và khuếch tán.

Đây là giải pháp quan trọng, có nhiều nơi còn lắp đặt hệ thống tưới nước trong công trường nếu phải thi công trong thời gian dài.

Ngoài ra, chuyên gia nhìn nhận đơn vị thi công chắc chắn đã có kinh nghiệm khi xây dựng nhiều dự án khác, do đó khó có thể nói rằng họ không biết những biện pháp để đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh.

“Đơn vị thi công chắc chắn có kinh nghiệm và biện pháp, chỉ là có thể đã không thực hiện đủ nghiêm chỉnh. Còn khi thực hiện nghiêm, thì dù tốn kém, họ vẫn phải chấp nhận để bảo vệ được sức khỏe và cuộc sống người dân xung quanh công trường”, theo Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật