Huawei tạo đột phá trong công cụ thiết kế chip

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo một quan chức cao cấp, Huawei đã tạo đột phá trong công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) đối với chip 14nm.
Huawei tạo đột phá trong công cụ thiết kế chip
Huawei nỗ lực phát triển công cụ EDA trong nước sau khi dính lệnh cấm vận của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo tạp chí tài chính Caijing của Trung Quốc, trong bài phát biểu ngày 28/2, Chủ tịch luân phiên Xu Zhijun của Huawei cho biết, công ty sẽ hoàn thành thử nghiệm công cụ trong năm nay. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Huawei và các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc khác đang chạy đua địa phương hóa chuỗi cung ứng do bị Mỹ cấm vận.

Theo Caijing, Huawei đã hợp tác với các hãng EDA trong nước để viết phần mềm, “bản địa hóa các công cụ EDA trên 14nm”. Huawei sẽ cho phép đối tác và khách hàng dùng phần mềm này.

EDA chỉ chung phần mềm, phần cứng và dịch vụ cần thiết để lên kế hoạch, thiết kế và sản xuất chip. Vài thập kỷ trước, bảng mạch phần lớn được thiết kế thủ công, song hiện tại chip trở nên quá phức tạp đến mức không thể tránh khỏi tự động hóa và thiết kế trên máy tính.

Chip sản xuất trên quy trình 14nm được giới thiệu lần đầu trong smartphone từ giữa những năm 2010. Nó đi sau khoảng 2 đến 3 thế hệ so với loại tối tân hiện nay. Huawei – nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn của thế giới – là mục tiêu của nhiều biện pháp cấm vận xuất khẩu của Mỹ từ năm 2019. Điều đó hạn chế Huawei tiếp cận nguồn cung chip và công cụ thiết kế chip từ các công ty Mỹ.

Thị trường EDA đang bị chi phối bởi ba doanh nghiệp: Cadence Design Systems, Synopsys (Mỹ) và Mentor Graphics (Đức). Cả ba đều phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Washington lên Huawei năm 2020. Trong khi đó, dù là quê hương của một số nhà sản xuất phần mềm EDA, nhưng Trung Quốc không có tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo China Daily, dù công cụ EDA cho chip 14nm chỉ được xem là sản phẩm tầm trung, nó vẫn là một bước đột phá. Ông Xu tiết lộ, Huawei đã thay thế 78 phần mềm bị ảnh hưởng do lệnh cấm của Washington bằng công cụ nội địa. Ngoài ra, công ty cũng đạt nhiều thành tựu trong các công cụ phát triển sản phẩm trong 3 năm qua.

Huawei sẽ tăng cường thu hút nhân tài từ khắp nơi để đạt được đột phá chiến lược trong lĩnh vực. Theo Xiang Ligang, Giám đốc Liên minh Information Consumption, các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với công nghệ chip hiện đại sang Trung Quốc tạo động lực để các công ty Trung Quốc nỗ lực phân bổ nguồn lực để đạt tiến bộ.

Năm ngoái, doanh thu trong lĩnh vực thiết kế chip Trung Quốc đạt 534,57 tỷ NDT (78 tỷ USD), tăng 16,5%, cho thấy sự linh hoạt giữa lệnh cấm của Mỹ.

Việc Huawei tập trung vào phần mềm EDA cho chip 14nm phần nào cho thấy tình trạng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Nhà thầu sản xuất bán dẫn SMIC mới có năng lực sản xuất chip 14nm quy mô lớn, trong khi TSMC và Samsung đều đang tiến đến quy trình 3nm, còn Intel sẽ sản xuất chip 2nm vào cuối năm 2024. Như vậy, ngành bán dẫn Trung Quốc đang đi sau các đối thủ khá xa.

Trước đó, trong bài phát biểu tại trường đại học Giao thông Thượng Hải ngày 24/2, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chia sẻ, Huawei đã thay thế 13.000 linh kiện nước ngoài bằng hàng nội địa và thiết kế lại 4.000 bảng mạch cho những sản phẩm của mình. Ông cũng cho biết, việc sản xuất bảng mạch đã “ổn định”.

Theo ông Nhậm, Huawei đã đầu tư 23,8 tỷ USD trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) năm 2022. “Khi lợi nhuận cải thiện, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng chi phí R&D”, ông nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật