Các ngân hàng trung ương công bố biện pháp thanh khoản bằng USD để giảm bớt khủng hoảng ngân hàng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong một tuyên bố chung vào chủ nhật (19/3), các ngân hàng trung ương cho biết sẽ chuyển từ đấu giá USD hàng tuần sang đấu giá hàng ngày, bắt đầu từ ngày 20/3, trong nỗ lực ’giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài trợ toàn cầu’.
Các ngân hàng trung ương công bố biện pháp thanh khoản bằng USD để giảm bớt khủng hoảng ngân hàng
FED cho biết các ngân hàng trung ương hàng đầu đang phối hợp hành động để xoa dịu thị trường. Ảnh: Reuters

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường ngân hàng toàn cầu khiến các nhà chức trách khởi động các hoạt động hàng ngày để huy động vốn bằng USD thông qua các giao dịch hoán đổi thường trực.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 5 ngân hàng trung ương hàng đầu khác đã thực hiện các biện pháp mới để cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu với thanh khoản đồng đô la khi thị trường tài chính quay cuồng vì tình trạng hỗn loạn tấn công lĩnh vực ngân hàng.

Trong một tuyên bố chung vào chủ nhật (19/3), các ngân hàng trung ương cho biết sẽ chuyển từ đấu giá USD hàng tuần sang đấu giá hàng ngày, bắt đầu từ ngày 20/3, trong nỗ lực “giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài trợ toàn cầu”.

Các quan chức cho biết các giao dịch hoán đổi hàng ngày giữa FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ hoạt động ít nhất cho đến cuối tháng tư.

Thông báo về các cuộc đấu giá USD hàng ngày theo múi giờ được đưa ra vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse sẽ hợp nhất sau một cuộc đàm phán vào cuối tuần qua.

Các quan chức châu Âu lo ngại những tổn thất nặng nề đối với các cổ đông của Credit Suisse và các trái chủ đang nắm giữ trái phiếu cấp 1 - hoặc trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1), có thể làm gia tăng căng thẳng trên thị trường cấp vốn ngân hàng trong tuần này.

Mạng lưới hoán đổi của FED, được thành lập lần đầu tiên vào năm 2007, đã cung cấp một điểm dừng tài trợ quan trọng cho các ngân hàng toàn cầu trong thời kỳ thị trường căng thẳng nghiêm trọng. Những ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể sử dụng các giao dịch hoán đổi để đổi đồng USD lấy đồng nội tệ của nước sở tại bằng cách cầm cố tài sản thế chấp tại ngân hàng trung ương tương ứng.

Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tổ chức một cuộc họp vào tối chủ nhật để phê duyệt việc chuyển sang một kênh hoán đổi hàng ngày với FED.

“Mạng lưới các hợp đồng hoán đổi giữa các ngân hàng trung ương này là một tập hợp các cơ sở thường trực sẵn có và đóng vai trò là điểm dừng thanh khoản quan trọng để giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài trợ toàn cầu, từ đó giúp giảm thiểu tác động của những căng thẳng đó đối với việc cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp” - các ngân hàng trung ương cho biết.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết họ sẽ công bố chi tiết về hoạt động hàng ngày vào lúc 8:15 sáng theo giờ London. Hoạt động sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 15 phút với thời gian đóng thầu là 8 giờ 45 phút và kết quả được công bố vào lúc 10 giờ sáng hoặc ngay sau đó. Các khoản tiền sẽ được cung cấp ở mức lãi suất tương đương với lãi suất qua đêm của Mỹ cộng với 25 điểm cơ bản.

FED cũng có một cơ sở cho phép các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ quốc tế tham gia vào các thỏa thuận mua lại với ngân hàng trung ương và giao dịch Kho bạc Mỹ lấy USD. Công cụ này được gọi là cơ sở repo FIMA, lần đầu tiên được xây dựng như một phần trong các biện pháp khẩn cấp của FED nhằm ngăn chặn hậu quả từ cuộc khủng hoảng Covid và được thực hiện vĩnh viễn từ năm 2021.

Cơ sở repo FIMA, một công cụ tài chính được FED cho ra đời ngày 6/4/2020. Với công cụ này FED sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho những quốc gia cần sự trợ giúp nếu họ đáp ứng hai tiêu chí: Có nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và có tài khoản mở tại FED.

Cơ sở repo FIMA cho phép các ngân hàng trung ương và các cơ quan tiền tệ quốc tế khác có tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ký kết các thỏa thuận mua lại với FED. Trong các giao dịch này, chủ tài khoản FIMA tạm thời trao đổi các chứng khoán kho bạc Mỹ của họ với FED để đổi lấy đô la Mỹ và chịu một mức lãi suất nhất định. Hết thời hạn, số trái phiếu được hoàn trả lại cho các ngân hàng trung ương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật