Theo đó, giá vàng thế giới chốt phiên giao dịch ngày 17/3 ở mức 1.989,3 USD/ounce. Mức giá này thậm chí đã vượt mức cao nhất kể từ đầu năm vào tháng 2.
Mặc dù sự suy yếu của đồng USD đã góp phần vào sự đi lên mạnh mẽ của vàng, song đó chỉ là một yếu tố nhỏ trong bức tranh lớn hơn nhiều. Trong khi giá vàng có mức tăng tới hơn 3% thì đồng USD đã chỉ giảm 0,52%. Như vậy, có thể hiểu khoảng 5/6 mức tăng của giá vàng ngày hôm nay là do những người tham gia thị trường đặt giá kim loại quý này cao hơn.
Trong nước, sáng nay các doanh nghiệp kim hoàn cũng tăng mạnh giá vàng, đặc biệt ở chiều bán ra. DOJI niêm yết giá vàng SJC mở cửa tại 66,60 - 67,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào, nhưng tăng tới 600 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Phú Quý SJC cũng tăng lần lượt 250 và 550 nghìn đồng mỗi lượng đối với giá mua vào - bán ra, lên 66,70 - 67,70 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn thậm chí có mức tăng cao hơn. Nhẫn 24K PNJ tăng tới 1,2 triệu đồng/lượng, lên 55,40 - 56 40 triệu đồng/lượng.
Theo các nhà phân tích, các nhà đầu tư thế giới đổ xô mua vàng vào cuối ngày thứ Sáu vì “không ai muốn kết thúc tuần mà không nắm giữ một ít vàng”, bởi vì họ không biết ngân hàng nào sẽ sụp đổ tiếp theo.
Nhu cầu vàng tăng trước lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng
Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ bắt nguồn từ sự sụp đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), tiếp theo là hàng loạt ngân hàng khác cũng rơi vào sụp đổ, hoặc khủng hoảng, khó khăn.
Giới chức Mỹ ngay lập tức có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ người gửi tiền tại các ngân hàng này. Đồng thời nhiều ngân hàng tại Mỹ cũng có động thái hỗ trợ thanh khoản, giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng.
Nhưng bất chấp những lời trấn an, nguy cơ lây lan khủng hoảng dường như đang gia tăng khi rất nhiều người gửi tiền đã có xu hướng chuyển tiền của họ đến các ngân hàng lớn hơn.
Các ngân hàng không chỉ phải đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngày càng tăng khi người tiêu dùng chuyển tiền của họ, mà do lãi suất cao hơn, các tổ chức buộc phải bán trái phiếu của họ với giá lỗ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cùng với nhu cầu trú ẩn an toàn, các nhà phân tích lưu ý rằng vàng cũng đang được hưởng lợi từ khả năng mờ nhạt hơn trong dự đoán tăng lãi suất.
Vào thứ Ba tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) lần thứ hai trong năm. Tiếp theo là tuyên bố của FOMC và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell vào ngày hôm sau, 22 tháng 3.
Tuy nhiên, cuộc họp FOMC này sẽ hoàn toàn khác những cuộc họp trước đó, khi một thành phần chính sẽ phải bổ sung vào việc đưa ra quyết định tăng lãi suất của họ. Theo đó, Fed sẽ không chỉ tiếp tục tập trung vào việc giảm lạm phát vẫn dai dẳng, mà bây giờ họ cần tính đến cuộc khủng hoảng ngân hàng lần đầu tiên trong lịch sử kể từ sau khủng hoảng 2008.
Đa phần thị trường tin rằng, quy mô tăng lãi suất của Fed trong tuần tới sẽ dừng ở con số 25 điểm cơ bản, thay vì 50 điểm cơ bản như kỳ vọng trước đó. Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng Fed có thể tạm dừng việc tăng lãi suất, dù vậy nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng Fed cần tiếp tục việc này ngay cả khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra để duy trì uy tín của mình.