Giá vàng thế giới đã tăng hơn 2% trong phiên 17/3 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đã gây rúng động các thị trường toàn cầu và đưa vàng hướng đến tuần tăng giá nhiều nhất trong ba năm.
Bên cạnh đó, thị trường đồn đoán chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ "mềm mỏng" hơn giữa bối cảnh của cuộc chiến chống lại lạm phát.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 2,8% lên 1.971,95 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Kim loại quý này đã cộng thêm khoảng 5,6% giá trị trong tuần này, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 3/2020. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 2,6% lên 1.973,50 USD/ounce.
Nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong tại New York nhận định giá vàng đang tăng lên do lo ngại rằng những tin tức xấu liên quan đến ngành ngân hàng có thể xuất hiện vào cuối tuần này và có nhiều hy vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới.
Xu hướng đi lên của giá vàng đã diễn ra gần như xuyên suốt tuần này vì những tin xấu liên tiếp về ngành ngân hàng thế giới. Vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank tại Mỹ đã nêu bật những tổn thương mà các ngân hàng phải gánh chịu khi lãi suất tăng mạnh, trong khi đó sự cố liên quan đến giá cổ phiếu Credit Suisse cũng làm gia tăng bất ổn cho thị trường.
Trong phiên đầu tuần 13/3, giá vàng giao ngay đã tăng 2,4% lên 1.921,06 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2023. Trong khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 2,6% lên đóng phiên ở mức 1.916,50 USD/ounce nhờ là các tài sản an toàn hấp dẫn nhà đầu tư sau vụ phá sản của SVB.
Phiên này, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ kéo dài đà giảm bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát tình hình sau khi hai ngân hàng SVB và Signature Bank đóng cửa cũng hỗ trợ đáng kể cho thị trường vàng.
Sang phiên thứ hai trong tuần, giá vàng thế giới quay đầu giảm, khi đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ ảnh hưởng đến giá kim loại quý này. Giá vàng giao ngay phiên 14/3 giảm 0,2% xuống 1.909,55 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,3% xuống 1.910,90 USD/ounce.
Theo các nhà giao dịch, việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gia tăng đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Thêm vào đó, thị trường vàng ít phản ứng với số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2/2023, không nằm ngoài dự kiến, sau khi tăng 0,5% trong tháng 1/2023.
Tuy vậy, nỗi lo về ngành ngân hàng một lần nữa kéo giá vàng thế giới đi lên trong phiên 15/3. Giá vàng giao tháng 4/2023 tăng 20,4 USD, hay 1,07%, lên chốt phiên ở mức 1.931,3 USD/ounce.
Sau khi một số ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản, giá cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse giảm hơn 20% trong phiên 15/3, gây lo ngại về tác động đến các ngân hàng toàn cầu. Những lo ngại về biến động của lĩnh vực ngân hàng toàn cầu đang gia tăng, khiến các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ điều chỉnh chính sách, điều sẽ hỗ trợ giá vàng.
Trong khi đó, các số liệu được công bố ngày 15/3 phát đi các tín hiệu trái chiều. Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá của nhà sản xuất tại nước này cho nhu cầu cuối cùng sau khi đã điều chỉnh theo mùa giảm 0,1% trong tháng 2/2023, trong khi thị trường dự báo tăng 0,3%. Còn theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tại nước này giảm 0,4%, xuống 698 tỷ USD trong tháng 2/2023, so với mức đã điều chỉnh là 701 tỷ USD của tháng 1/2023.
Đến phiên 16/3, giá vàng hướng tới mức cao nhất trong một tháng rưỡi, tiếp tục vì lo ngại về khủng hoảng ngân hàng và động thái tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bất chấp rủi ro tài chính đang diễn ra. Giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,1% lên 1.919,31 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2023 là 1.937,28 USD/ounce.
Ngày 16/3, ECB đã quyết định nâng các mức lãi suất chính thêm 50 điểm cơ bản, trong đó lãi suất tái cấp vốn chủ chốt sẽ được tăng lên 3,5%, lãi suất cho vay cận biên tăng lên 3,75% và lãi suất tiền gửi qua đêm tăng lên 3%. Các mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 22/3/2023.
Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại sàn giao dịch ngoại hối FXTM cho biết vàng có khả năng tỏa sáng trong giai đoạn bất ổn khi các nhà đầu tư bước vào trạng thái thận trọng.
Đồng USD và thị trường chứng khoán trượt dốc khiến vàng trở thành khoản đầu tư hấp dẫn hơn. Mặc dù vàng được coi là kênh đầu tư an toàn trước trong giai đoạn bất ổn kinh tế, nhưng chi phí cơ hội nắm giữ vàng tăng lên khi lãi suất tăng.
Hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 22/3 bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây