Theo Reuters, một nguồn tin cho hay các nhà quản lý Thụy Sĩ đang khuyến khích Ngân hàng đầu tư UBS và Credit Suisse hợp nhất nhưng cả hai ngân hàng đều không muốn làm vậy. Người thạo tin nói rằng các cơ quan quản lý cũng không có quyền buộc hai bên sáp nhập.
Tờ Financial Times cho biết hội đồng quản trị của UBS và Credit Suisse cũng dự kiến họp riêng vào cuối tuần. Tuy nhiên, cả Credit Suisse và UBS từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm hôm 17-3 khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Ngân hàng First Republic và các cổ phiếu ngân hàng khác trong bối cảnh lo ngại tình trạng bất ổn kéo dài của ngành ngân hàng Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 17-3 (giờ địa phương), chỉ số Dow Jones giảm khoảng 1,19%, chỉ số S&P500 giảm 1,1% trong khi Nasdaq Composite mất 0,74%.
Theo đài CNBC, cổ phiếu ngân hàng First Republic tiếp tục giảm mạnh gần 33%, nâng tổng mức giảm trong tuần lên 72%. Trước đó, trong phiên hôm 16-3, cổ phiếu của ngân hàng này đã hồi phục khi có thông tin 11 ngân hàng cho biết sẽ hỗ trợ First Republic 30 tỉ USD tiền gửi nhằm vực dậy niềm tin của hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, cổ phiếu của Ngân hàng Credit Suisse niêm yết tại Mỹ cũng giảm gần 7% khi các nhà giao dịch phân tích kỹ hơn về thông báo Credit Suisse sẽ vay 54 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Tính cả tuần, cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ đã giảm 24%.
Ông Keith Buchanan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, cho biết các nhà đầu tư đã bán tháo hôm 17-3 khi mà không biết diễn biến thị trường sẽ như thế nào vào tuần tới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn đang diễn ra.
Cổ phiếu ngành ngân hàng trong những ngày gần đây được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ giữa lúc lo ngại những ngân hàng khác có thể đối mặt với tình trạng tương tự như Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature, hai ngân hàng đã bị đóng cửa trong tuần trước.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra từ ngày 21 đến 22-3. Câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng trung ương Mỹ có quyết định tăng lãi suất ở mức 0,25% như dự kiến hay không bất chấp sự bất ổn của lĩnh vực ngân hàng.