Chỉ khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 2/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội thảo khoa học: Tín dụng Hợp tác xã – Thực trạng và giải pháp tại Hà Nội.
Chỉ khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Hoa/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho rằng, thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã là rất lớn và cấp thiết, bởi nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng đa số các hợp tác xã không tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.

Theo ông Phạm Công Bằng, việc tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng vẫn còn những tồn tại, bất cập, mặc dù Chính phủ đã ban hành các Nghị định nhằm hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng hầu như các ngân hàng thương mại chưa tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn; điều kiện ngân hàng đưa ra là các hợp tác xã có tài sản bảo đảm thế chấp trong khi các hợp tác xã đa số không có tài sản thế chấp.

Theo khảo sát của hệ thống liên minh chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng.

“Điều này là do các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là các đơn vị thuần túy kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, yêu cầu cao về điều kiện, e ngại cho vay hợp tác xã vì chi phí cho vay cao. Khiến cho trên 80% số hợp tác xã phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng "đen" với lãi suất cao”, ông Phạm Công Bằng nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cần tìm ra các khoảng trống pháp lý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho loại hình kinh tế này.

Theo ông Đào Minh Tú, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (Đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, Đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, duyên hải miền Trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã để có hiệu quả bền vững.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã còn dư nợ.

Theo đó, dư nợ cho vay các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 52%; giao thông, vận tải chiếm 15%; nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 13%; xây dựng chiếm 9,7%; trong các lĩnh vực khác và cho vay tổ hợp tác chiếm 10,3%. Thời hạn cho vay vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), vay trung và dài hạn (33%).

Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 70%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 19%; nhóm khác chiếm 11%.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, kết quả đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do nhiều hợp tác xã còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; chưa chuyển đổi mô hình hoạt động theo luật Hợp tác xã 2012 hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, thiếu vốn tự có, không có tài sản bảo đảm; thiếu công khai, minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản đảm bảo..., nên chưa đủ cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định quyết định cho vay.

Ngoài ra, quan hệ giữa hợp tác xã và các thành viên còn thiếu sự gắn kết, chưa tạo động lực cho các thành viên tham gia, một số hợp tác xã sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định để mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được xem là nhân tố quan trọng. Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho hợp tác xã; phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với loại hình này, từ đó tìm ra các khoảng trống pháp lý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho loại hình kinh tế này.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng ngân hàng không thể áp cho vay hợp tác xã, nên cần nghiên cứu do đó cần nêu giải pháp nào để hợp tác xã vay được tiền và ngân hàng cũng mạnh dạn cho hợp tác xã vay. Vấn đề này hiện đang tắc ở cả 2 phía.

Nói thêm về vấn đề này, ông Đào Minh Tú cho biết, mô hình hợp tác xã của nước ngoài rất đa dạng, chẳng hạn tại Italy, một hợp tác xã sản xuất giày da có vốn điều lệ 12 triệu USD; trong đó, ngân hàng là 1 thành viên tham gia hợp tác xã – vừa quản lý vốn vay, vừa là động lực để tạo lợi ích, nhưng bản chất là các thành viên và quyền lợi thành viên để khác với công ty cổ phần.

Phó Thống đốc cho rằng, ngân hàng phải nhìn nhận hợp tác xã khác doanh nghiệp, để đưa ra những điều kiện ưu tiên, dành riêng cho mô hình này, còn nếu đặt ra điều kiện giống doanh nghiệp hợp tác xã thành lập công ty cổ phần. Để làm được điều này cần các văn bản từ Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ hoặc cao hơn để khơi thông nguồn lực vào hợp tác xã; trong đó có nguồn lực từ ngân hàng.

Để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ông Phạm Công Bằng cho rằng, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ tín dụng cho hoạt động hợp tác xã, vận dụng tối đa những quy định về ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện để các hợp tác xã được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp. Cùng với đó, xem xét và từng bước mở rộng cho vay đối với các hợp tác xã thuộc diện trung bình hoạt động trên 5 lĩnh vực ưu tiên theo cơ chế hiện hành của Nhà nước.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức tín dụng, cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của Pháp Luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đội ngũ quản lý hợp tác xã cũng cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành, thích nghi nhanh và kịp thời chuyển đổi hoạt động phù hợp với yêu cầu thị trường, ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong quản trị, điều hành hợp tác xã nhằm tăng cường năng lực hoạt động và sức chống chịu của hợp tác xã trước các biến động của thị trường./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật