Gửi đến PLO, một học sinh đang học lớp 12 tại TP.HCM đặt câu hỏi: “Cho em hỏi, muốn tạo ra ChatGPT hay các ứng dụng tương tự, em nên chọn theo học ngành nào? Ngành này yêu cầu những tố chất hay điều kiện gì để có thể theo học tốt? Cơ hội việc làm có nhiều không?”
Trả lời nội dung này, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết ChatGPT là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ có sự ra đời nhiều hơn của các công cụ AI này.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Từ nền tảng của ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo sẽ giới thiệu và đi sâu nghiên cứu các hệ chuyên gia, tương tác người – máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh; phân tích dữ liệu lớn…
Theo ông Tuấn, để theo học ngành Trí tuệ nhân tạo, các trường đại học đang đào tạo ngành này sẽ có những thông tin cụ thể, thí sinh có thể tìm hiểu sâu thêm.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng như bất kỳ ngành học nào, các em cần có sự đam mê. Khi đã chọn và vào giai đoạn học tập, các em phải tự tin và quyết tâm học thật tốt.
Ngoài ra, ngành học về Trí tuệ nhân tạo cũng dành cho bạn nào thích truyện trinh thám, thích tìm hiểu về khả năng của bộ não con người, theo đuổi sự kỳ diệu của trí thông minh. Các em cần làm việc tốt với các con số, giỏi phân tích, có tư duy Toán học cao, đặc biệt là về kiến thức đạo hàm vì nó rất quan trọng trong AI.
Bên cạnh đó, các em cũng cần có sự tỉ mỉ, trách nhiệm, cầu toàn, vốn tiếng Anh tốt vì các tài liệu tham khảo chủ yếu được biên soạn bằng tiếng Anh, ham học hỏi…
“Chọn nghề nào, ngành nào quan trọng nhất là có phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, có tạo được giá trị hành nghề và danh tiếng hay không chứ không nằm ở nghề gì, kiếm được nhiều tiền hay không. Bởi muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ lao động.
Vì vậy, các em phải dành thời gian tìm hiểu để chọn nghề, bậc học, chương trình học và trường đào tạo phù hợp cho chính mình. Khi chọn nghề phù hợp, các em sẽ tự tin khi bước vào thị trường lao động hơn” – ông Tuấn khuyên.
Được biết, ở Việt Nam, từ năm 2019, một số trường ĐH đã bắt đầu đào tạo ngành học về Trí tuệ nhân tạo. Đến nay, số trường đào tạo ngành này khá nhiều.
Cụ thể như ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu cho ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Trường xét tuyển theo ba phương thức chính là xét tuyển tài năng, kết quả đánh giá tư duy và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM cũng bắt đầu tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo từ năm 2019 với sự đào tạo phối hợp của ba khoa: Cơ khí, Điện điện tử và Công nghệ thông tin. Riêng năm 2023, trường tiếp tục tuyển sinh cho ngành học này ở hệ đại trà, theo năm phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã mở ngành IOT và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng hệ đại trà từ năm 2020 và tiếp tục tuyển sinh cho những năm sau.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay cũng dự kiến tuyển 40 chỉ tiêu cho ngành Trí tuệ nhân tạo, tổ hợp môn A00, A01, D01, D07. Trường xét tuyển theo bốn phương thức: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi, chứng chỉ quốc tế, xét tiêu chí riêng.
Ngoài ra, một số trường khác cũng đã mở ngành học này để tuyển sinh và đào tạo như Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), Trường ĐH FPT, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Thủ Dầu Một…