Đảng luôn tự nhìn thẳng vào sự thật
Thưa ông năm 2023, Đảng ta kỷ niệm 93 năm thành lập (3/2/1930 – 3/2/2023). Là người nghiên cứu về lịch sử Đảng, ông thấy ấn tượng sâu sắc nhất về điều gì?
- Điều sâu sắc nhất đối với tôi đó là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra và thành lập Đảng cộng sản Việt Nam – mở đầu cho con đường giải phóng dân tộc sau khi Người đi khắp năm châu bốn biển để giúp đất nước ta thoát khỏi ách nô lệ. Nhờ có đường lối, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã tiếp thu, bảo vệ Chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam cùng với sự lãnh đạo của Đảng đã giúp nhân dân ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác…
Tôi rất tự hào rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta từ một nước lầm than, nô lệ, đói nghèo, bị thực dân Pháp xóa tên trên "bản đồ" thế giới, trở thành một quốc gia thống nhất, độc lập, sánh vai với các cường quốc năm châu, tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên, phát triển và hội nhập quốc tế là thành tựu vĩ đại. Đúng như trong "Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước" Bác Hồ đã nói: "Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!". Và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội XIII rằng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Tất nhiên, trong chặng đường vẻ vang ấy của Đảng, cũng có những sai lầm, khuyết điểm mà Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra như vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhưng trên hết, Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc sửa chữa, vươn lên.
Đại hội XIII đề ra tầm nhìn của Đảng về mục tiêu phát triển đất nước xa hơn, đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh TTXVN
Như ông vừa nói, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận vào khuyết điểm để sửa chữa. Vậy, tinh thần "thẳng thắn nhìn nhận" khuyết điểm được Đảng ta thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Như Bác Hồ căn dặn, một Đảng biết rõ khuyết điểm của mình chính là một đảng mạnh. Tôi chỉ sợ chúng ta giấu giếm khuyết điểm, không dám nhận những sai lầm thiếu sót của mình thì mới là điều đáng sợ.
Trong quá trình vừa qua, đặc biệt từ sau đổi mới, nhất là từ sau Đại hội XI việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta được tiến hành một cách cương quyết, kiên trì…tạo được niềm tin trong nhân dân. Đến hôm nay, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thành một phong trào, xu hướng không thể dừng được. Nếu như chúng ta làm tiếp và được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và đến một giai đoạn nào đó nó sẽ trở thành một cao trào làm cho tham nhũng, tiêu cực bị đẩy lùi và hạn chế ở mức thấp nhất.
Đây chính là việc thể hiện tinh thần kiểm điểm nghiêm túc. Đảng luôn tự nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của mình chứ không phải chỉ nói về thành tựu đạt được.
Trước đây Đảng cũng luôn thẳng thắn chỉ rõ sai lầm, khuyết điểm của mình. Ví dụ như năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích nói về những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa; sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Sửa đổi lối làm việc" với tinh thần tự phê bình nghiêm túc. Đến Đại hội VI, Đảng đã tự phê bình và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật thị trường… Nhờ có tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật như vậy, chúng ta mới có đường lối đổi mới.
Ngoài ra, tinh thần thẳng thắn này tiếp tục được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh Thành An
Đoàn kết trong Đảng là yếu tố then chốt của thành công
Ông từng mong muốn Đảng trong sạch vững mạnh thì phải đoàn kết. Vậy việc xây dựng đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân hiện nay chúng ta đang có thuận lợi và khó khăn gì?
- Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay, việc đoàn kết theo tôi khó khăn hơn trước đây nhiều vì giữa cái tôi và cái ta giằng xé nhau ghê gớm.
Trong chiến tranh, cái tôi bao giờ cũng phải phục tùng cái ta. Mà tinh thần yêu nước buộc người ta phải đoàn kết và trở thành truyền thống trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Song, khi chúng ta bước sang xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuất hiện những lợi ích khác nhau dẫn đến thu nhập khác nhau, mức sống khác nhau dẫn đến sự suy nghĩ không giống nhau…
Do vậy đoàn kết bây giờ khó hơn rất nhiều. Trước đây chúng ta nói thực hiện nhất trí về chính trị và tinh thần trong toàn dân. Trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần như hiện nay chúng ta chỉ có thể tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Nhưng trong Đảng dứt khoát phải tạo được sự nhất trí về chính trị và tinh thần.
Vậy trong tình hình, bối cảnh như hiện nay chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh hơn sự đoàn kết và dân chủ trong xã hội, thưa ông?
- Bác Hồ đã nói, muốn đoàn kết thực sự thì phải có dân chủ thực sự; phải thực hiện đầy đủ quyền dân chủ ngay trong nội bộ từng tổ chức cơ sở đảng. Người cũng từng khẳng định tại Đại hội hợp nhất mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt rằng: Nhiệm vụ của Đảng ta có thể tóm tắt trong 8 chữ :"Đoàn kết toàn dân và phụng sự Tổ quốc". Và muốn đoàn kết được toàn dân thì bản thân Đảng phải đoàn kết như là con ngươi của mắt mình như di chúc của Bác căn dặn.
Nhưng trong điều kiện hiện cơ chế thị trường hiện nay, muốn đoàn kết thực sự phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Muốn làm được điều đó, người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiên phong; phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị…
Đồng thời, phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha và cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng trước việc lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng để quấּy rốּi, kích động, chống phá, phá hoại khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nói rằng, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn đe dọa vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Đó là bài học đối với tất cả những người cộng sản và những người yêu nước. Bài học đó không phải đến nay mới có mà trong suốt quá trình lịch sử ông cha ta đều dặn "Dân vi bản" (có dân là có tất cả, mất dân là mất hết).