Một ngày đầu năm mới Quý Mão, chúng tôi có dịp lên vùng núi cao Hà Giang đã ghé thăm vợ chồng chị Thị Vư (SN 1970) và Mí Sình (SN 1997). Song cửa nhà cài then, xung quanh chẳng có ai cho đến khi một người hàng xóm đi qua bảo: “Vợ chồng Vư sang nhà cậu cày đất hộ mấy hôm rồi”.
Thế là, chúng tôi lặn lội vượt quãng đường dài tìm đến nhà cậu của cặp đôi để “hỏi chuyện”. Chúng tôi đến nơi trời đã chập trưa, mặt trời lên đến đỉnh dù vẫn giá rét. Chị Vư thấy chúng tôi liền ngỡ ngàng, nói dăm ba câu tiếng H’mông: “Sao tìm được đến đây. Mọi người đã ăn trưa chưa?. Sau đó chị mời chúng tôi ngồi xuống, thưởng thức “đặc sản” của người Mông sau dịp Tết Nguyên đán.
Quả thực, bữa ăn của người dân tộc H’Mông sau Tết Quỹ Mão thật ít món, chỉ có mèn mén ăn với dưa nấu đậu phụ loãng. Từng đó đủ để tất cả thấy cuộc sống của vợ chồng chị Vư nói riêng và người đồng bào vùng núi cao nói chung vẫn còn nhiều khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, họ không vì thế mà chán chường, luôn cố gắng làm lụng với hi vọng một ngày không xa có cuộc sống sung túc hơn.
“Đây là bữa dành cho người lớn, còn đám trẻ trong nhà được ăn cơm với rau, chứ cũng không có thức ăn đâu. Mình biết ăn vậy làm sao đủ dinh dưỡng để phát triển. Nhưng trẻ con ở đây bao năm nay vẫn sống như thế, vẫn lớn như thổi”, chị Vư tâm sự.
Lúc này chúng tôi liền nhắc đến chuyện vì sao mới vừa hết Tết đã không còn gì ăn trong nhà, người phụ nữ 52 tuổi cười: “Tết - nhà nào cũng sắm sửa giò chả, bánh chưng, đụng thịt lợn… Ngày nào cũng phải làm cơm thiết đãi khách đến chúc Tết. Vì thế chỉ cần ra Giêng là hết đồ ăn rồi.
Đầu năm, chúng tôi cũng có nhiều tiền nhưng phải để dành mua gà giống, lợn giống để nuôi chứ. Cuộc sống khốn khổ cũng quen, được ăn ngon mấy ngày Tết đã quá sung sướng”.
Với người H’mông ở Hà Giang, Tết Nguyên đán kết thúc cũng là lúc hội hè, cỗ bàn không còn. Họ bắt đầu một năm mới bằng việc lên nương rẫy cày đất, chuẩn bị trồng ngô với hi vọng mùa màng bội thu, ngô chất đầy trong nhà, lợn gà không phải ăn rau lợn…
Vừa qua họ nhận được một số tiền người mạnh thường quân từ bên Mỹ.
“Ăn Tết xong, vợ chồng mình sang nhà cậu cày cuốc nương rẫy giúp. Sau đó cậu cùng các con lại qua nhà mình phụ. Nói chung ở đây mọi người có đi có lại, giúp đỡ lẫn nhau mới làm xong đất rẫy, kịp vụ gieo ngô được”, Mí Sình nói.
Chồng vừa dứt lời, chị Vư vội vàng khoe mới được một mạnh thường quân ở bên Mỹ gửi món quà trị giá 5 triệu đồng để sửa mái nhà. Vì thế chị đang tính hoặc là làm luôn hoặc đợi có nhiều tiền sữa sang nhà cửa cho vững chãi một thể.
“Cái mái nhà của nhà mình thủng lỗ chỗ, mưa dột lắm. Chị ấy biết được hoàn cảnh đã gửi tiền về để sửa sang. Mình bàn tính với chồng sửa sang luôn cho kịp mùa mưa đến. Song chồng lại muốn tôn thêm cái nền, thì phải góp thêm tiền nữa mới đủ. Chúng mình hiện vẫn đang tính toán phương án hợp lý cho thuận đôi đường, một công sửa sang cho đỡ mất thời gian”, người đàn bà Mông nói.
Nếu lựa chọn việc sửa mái nhà, Mí Sình sẽ lán lại để trông coi thợ giúp vợ. Sau đó anh sẽ tiếp tục xuống Hà Nội làm thuê với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Còn chị Vư quyết đợi để sửa nhiều thứ, anh sẽ đi làm luôn rồi khi nào có đủ tiền sẽ đem về đưa vợ. “Nhà mình vợ là người cầm tiền và quyết định mọi thứ. Mình còn trẻ, lại không nghĩ sâu xa được như vợ nên đưa vợ là đúng đắn.
Nếu lựa chọn việc sửa mái nhà, Mí Sình sẽ lán lại để trông coi thợ giúp vợ.
Hôm qua, mình bàn tính với vợ đợi mình xuống Hà Nội làm dăm ba tháng, khi ấy có 15 triệu đồng đem về, đủ để sửa nhà rồi. Vợ có thể đồng ý với đề xuất đó. Có lẽ mình chuẩn bị phải xa vợ, khăn gói xuống thủ đô”, Mí Sình cười.
Anh chàng cũng không ngần ngại tiết lộ rằng cuối năm vừa qua đem về nhà hơn 5 triệu đồng để chị Vư sắm sửa đồ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên chị chỉ trích một phần nhỏ mua kẹo mứt, thịt lợn… còn lại dành mua lợn – gà giống và tiết kiệm phòng lúc vợ chồng ốm đau.
Chia sẻ dự định trong năm mới, chàng trai trẻ tuổi cho biết chẳng mong gì nhiều ngoài hai vợ chồng có sức khoẻ và làm lại căn nhà cho... tử tế. Khi ấy cả hai có thể đồng cam cộng khổ, cùng nhau cố gắng vun đắp tổ ấm hạnh phúc của riêng mình. Anh cũng một mực khẳng định luôn chung thủy với vợ, không hề có tư tưởng ngoại tình khi xuống thành phố làm việc.