Ông Ronnarong Phoolpipat, Cục trưởng Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết nhu cầu toàn cầu đối với gạo Thái Lan vẫn mạnh trong năm nay.
Do đó, Bộ Thương mại có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo thông qua các hoạt động khác nhau như Công ước Gạo Thái Lan - một diễn đàn quốc tế dành cho các bên liên quan đến gạo trong chuỗi giá trị - cũng như các chuyến thăm thương mại với các đối tác quan trọng như Việt Nam, Australia, Trung Quốc và Đức.
Tuy nhiên, ông Ronnarong cảnh báo về sự biến động của đồng baht, lưu ý rằng việc đồng tiền này tăng giá có thể khiến gạo Thái Lan đắt hơn so với gạo của các đối thủ cạnh tranh.
Năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu 7,69 triệu tấn gạo, tăng 22% về khối lượng so với mức 6,3 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2021, và tăng 25,1% về giá trị lên 138 tỷ baht. Giá trị xuất khẩu tính theo đồng USD tăng 14,6% so với một năm trước lên 3,97 tỷ USD.
Cũng trong năm qua, Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu 21,9 triệu tấn gạo. Đứng thứ ba là Việt Nam với 6,31 triệu tấn.
Iraq là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan với 1,6 triệu tấn trong năm ngoái, tăng 458% so với năm trước đó. Đứng thứ hai là Nam Phi, nhập khẩu 775.000 tấn (giảm 2,26%), tiếp theo là Trung Quốc 750.000 tấn (tăng 18,8%), Mỹ 650.000 tấn (tăng 13,2%) và Benin 321.000 tấn (giảm 15,3%).
Trong một diễn biến liên quan, Cục Ngoại thương Thái Lan cho biết trong năm ngoái, nước này đã xuất khẩu được 11,1 triệu tấn sản phẩm từ bột sắn và thu 4,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 15 năm qua.
Ông Ronnarong cho biết mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm tinh bột sắn năm nay là 9 triệu tấn, trong bối cảnh tổng sản lượng tinh bột sắn cho niên vụ 2022-2023 ước chỉ đạt 31,7 triệu tấn, giảm so với dự báo 34,9 triệu tấn trước đó do bệnh khảm sắn và lũ lụt hồi cuối năm ngoái