Theo EPA, mỏ Pebble nằm ở phía trên vịnh Bristol, nơi có nguồn cá hồi đỏ phong phú “không nơi nào ở Bắc Mỹ có thể sánh bằng”.
Từ năm 2010, các bộ tộc bản địa vùng vịnh Bristol đã kiến nghị EPA bảo tồn khu vực này theo Luật Nước sạch.
Trong lịch sử 50 năm áp dụng Luật Nước sạch, đây là lần thứ 14 EPA dùng thẩm quyền để cấm hoặc hạn chế các hoạt động có thể tác động xấu đến nguồn nước, gồm cả hoạt động đánh bắt cá.
Cục trưởng EPA Michael Regan nói việc EPA sử dụng cái gọi là “quyền phủ quyết” trong trường hợp này là để “ghi nhận vịnh Bristol là một kỳ quan thiên nhiên thật sự vô giá và không thể thay thế”.
Sự phủ quyết là một chiến thắng của môi trường, kinh tế và của các bộ tộc người bản địa ở vùng vịnh Bristol bang Alaska vốn đã phản đối dự án khai thác mỏ Peeple từ hơn 10 năm qua, theo ông Joel Reynolds - luật sư cấp cao của tổ chức bảo vệ môi trường Natural Resources Defense Council.
Ông nói nếu khai thác, mỏ này sẽ gây hại cho nghề đánh cá hồi của khu vực. Ngành này tạo ra 15.000 việc làm và cung cấp một nửa số cá hồi đỏ cho thế giới. Mùa đánh cá năm 2022 ước tính đánh bắt được hơn 60 triệu con cá hồi, các quan chức bang cho biết hồi năm ngoái.
EPA trích dẫn một phân tích của công binh lục quân Mỹ (USACE), nói việc xả vật liệu nạo vét hoặc lấp đất để xây dựng và vận hành khu mỏ sẽ dẫn đến việc mất đi khoảng 160km2 môi trường sống của dòng nước cũng như các vùng đất ngập nước.
Người ủng hộ dự án khai thác mỏ Pebble nói mỏ này có trữ lượng đồng/vàng đáng kể nhất thế giới, trong khi đơn vị lập dự án là Công ty Pebble Limited Partnership cho biết sản lượng của mỏ có thể đạt 73 triệu tấn/năm.
Mỏ Pebble nằm trong một vùng hẻo lánh phía tây nam vùng vịnh Bristol của Alaska, chỉ có thể đến mỏ bằng trực thăng hoặc xe trượt tuyết, theo đơn đề nghị cấp phép mà công ty mỏ trình USACE.
Trong một tuyên bố, giám đốc của Pebble Limited Partnership, ông John Shively gọi quyết định của EPA là “trái Pháp Luật” và có thể họ sẽ kiện cơ quan này. Ông nói dự án khai thác mỏ là chìa khóa để chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy thực hiện các mục tiêu năng lượng xanh và khiến Mỹ khỏi lệ thuộc vàng và đồng của nước ngoài.
Công ty cũng khẳng định dự án này có thể “sống chung” với cá hồi. Trang web của công ty nói mỏ Pebble nằm ở thượng nguồn của 3 nhánh nhỏ chảy ra vịnh, và công ty tin tưởng bất kỳ tác động nào đối với nghề cá sẽ là tối thiểu.
Quyết định của EPA được các bộ tộc người bản địa Alaska và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hoan nghênh, trong khi một số quan chức bang và người có quyền lợi trong ngành mỏ lại lên án.
Thống đốc bang Alaska, ông Mike Dunleavy thuộc đảng Cộng hòa nói phủ quyết của EPA là một “tiền lệ nguy hiểm, có thể tác động xấu đến tương lai phát triển trong bang. Đáng báo động là quyết định này đặt nền tảng để ngăn chặn bất kỳ dự án phát triển nào trong bang”, trong khi Công tố viên trưởng của bang, ông Treg Taylor gọi quyết định của EPA là “không thể bào chữa về mặt pháp lý”.
Nhưng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Maria Cantwell của bang Washington lại gọi quyết định của EPA là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của mỏ Pebble”.
Theo AP