Hiệu quả tích cực từ Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Tiền Giang

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau hai năm học triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (2020-2021 và 2021-2022), ngành Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang đã đạt được kết quả tích cực, góp phần cụ thể hóa mục tiêu cơ bản của giáo dục là tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất, năng lực người học và định hướng nghề nghiệp.
Hiệu quả tích cực từ Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Tiền Giang
Ảnh minh họa

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đánh giá, trong giảng dạy, các trường học trên địa bàn đã chú trọng đổi mới, giáo viên vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới có chuyển biến tích cực. Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.

Ngành Giáo dục Tiền Giang hiện có 18.419 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc mầm non là trên 85%. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh.

Cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp được củng cố, đi vào ổn định và sắp xếp theo hướng giảm dần các điểm trường lẻ, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày theo lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Toàn tỉnh có 8.164 phòng học ở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 7.403 phòng học kiên cố, chiếm 90,7% so tổng số phòng.

Trên địa bàn huyện Châu Thành, tỷ lệ học sinh khối 1 hoàn thành chương trình đạt trên 91%, khối 2 là hơn 97%; học sinh khá, giỏi ở khối 6 chiếm trên 75%. Các huyện khác đều bằng và vượt so với tỷ lệ của huyện Châu Thành. Từ thực tế giảng dạy cho thấy, việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt hiệu quả nhất định, chất lượng học tập của học sinh thay đổi rõ rệt.

Bên cạnh kết quả bước đầu đáng ghi nhận, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã bộc lộ một số hạn chế. Theo đó, khó khăn lớn toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang đang gặp phải là trình trạng thiếu giáo viên. Qua hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh thiếu 397 giáo viên phổ thông, chủ yếu ở bậc Tiểu học và một số bộ môn ở bậc Trung học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ. Tại một số địa phương, cơ sở vật chất trường lớp còn gặp khó khăn, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn hạn chế. Một số phòng học bị xuống cấp chưa kịp thời sửa chữa, trang thiết bị dạy học chưa kịp thời, đồng bộ…

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang Lê Quang Trí, một trong những giải pháp căn cơ toàn ngành tập trung thực hiện là rà soát, tuyển dụng, sắp xếp bố trí giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Trên cơ sở Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các trường Đại học để đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Sở tiếp tục nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; tổ chức bổ sung biên chế, sắp xếp lại đội ngũ phù hợp, điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật