Đề xuất tiếp tục triển khai Đề án chương trình đào tạo song bằng tú tài

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng kết giai đoạn triển khai Đề án chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp THPT, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất tiếp tục được triển khai chương trình này.
Đề xuất tiếp tục triển khai Đề án chương trình đào tạo song bằng tú tài
Ảnh minh họa

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tổng kết giai đoạn triển khai Đề án chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp THPT. Theo lộ trình của Đề án, từ năm học 2021-2022, Hà Nội không tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng IGCSE tại các trường THCS tham gia Đề án thí điểm đào tạo song bằng.

Hiện tại, Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại cấp THCS còn 2 khóa học sinh và năm học 2023 - 2024 sẽ hết giai đoạn thứ nhất thí điểm của Đề án tại 2 trường THPT.

Được biết, chương trình song bằng THPT quốc gia Việt Nam và A-level của Anh quốc bắt đầu được thí điểm từ năm học 2017-2018 tại trường THPT Chu Văn An. Trong năm học 2018- 2019, TP tiếp tục có 6 trường THCS và 1 trường THPT công lập triển khai chương trình song bằng.

Đến nay, cả trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã nhận mã số là trường thành viên Cambridge.

Qua giai đoạn triển khai thí điểm tại 2 trường THPT, Đề án thí điểm đã dần đi vào ổn định và khởi sắc với những kết quả đáng khích lệ. Học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, Tiếng Anh vượt trội, có năng lực tư duy và kĩ năng tốt, đáp ứng các yêu cầu của chương trình quốc tế Cambridge.

100% học sinh các khóa học của Đề án đã và đang theo học đều có kết quả học lực Giỏi và hạnh kiểm Tốt. Tham gia các kỳ thi, học sinh của Đề án chiếm tỷ lệ cao đạt được điểm A* và A, cao hơn tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đào tạo chương trình song bằng tại 2 trường THPT đã và đang gặp một số khó khăn: Giáo viên cơ hữu của các nhà trường tham gia trợ giảng là đội ngũ có chuyên môn nhưng chưa được học lấy chứng chỉ về phương pháp giảng dạy của hệ thống Cambridge nên chưa được trực tiếp giảng dạy; thiếu giáo viên dạy chương trình Việt Nam tại các lớp song bằng và chưa có định biên cho đối tượng này.

Việc tuyển chọn được những giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và yêu cầu chuyên môn của chương trình rất khó khăn.

Về Chương trình giảng dạy, do học đồng thời 2 chương trình nên lịch học trong tuần của học sinh khá dày, khối lượng kiến thức lớn khiến học sinh thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, chưa sắp xếp được thời gian để phát triển thêm về thể chất, năng lực nghệ thuật và phát triển một số kĩ năng khác.

Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đề xuất UBND TP tổ chức nghiệm thu, tổng kết, đánh giá Đề án nhằm ghi nhận kết quả đã đạt được, tiếp tục phê duyệt thực hiện đề án tại 2 trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; Xem xét, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho những hạng mục về nhân sự, chương trình giảng dạy, tuyển sinh, tài chính cho chương trình này.

Trước mắt, Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường làm các bước thủ tục xin phép các cấp thẩm quyền thông qua việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm ở cấp THPT trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo việc học tập của cấp THCS ở 2 khóa cuối của hệ song bằng giai đoạn 1.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật