Có gì trong Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiến lược an ninh quốc gia vạch ra tầm nhìn của Nhật Bản trong bảo đảm an ninh của xứ sở hoa anh đào trước những biến động nhanh, phức tạp và khó lường.
Có gì trong Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản?
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố Chiến lược an ninh quốc gia ngày 16/12. (Nguồn: Reuters)

Thách thức nghiêm trọng

Trước tiên, Chiến lược nhận định “trọng tâm quyền lực toàn cầu” dịch chuyển về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tác động trung và dài hạn, thậm chí thay đổi “bản chất của cộng đồng quốc tế”.

Đặc biệt, tài liệu này cho rằng Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là thách thức an ninh nghiêm trọng với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu. Đây là thay đổi rõ nét nhất so với phiên bản năm 2013, từng coi Trung Quốc và Nga là những đối tác chiến lược.

Giờ đây, Tokyo lại coi chính sự trỗi dậy của Bắc Kinh là “thách thức chiến lược lớn nhất” đối với trật tự quốc tế với những quan ngại về các vấn đề tại Biển Hoa Đông, Biển Đông và xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan, đe dọa an ninh ở Đông Bắc Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn thế giới. Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc cần đóng góp tích cực hơn để giải quyết thách thức toàn cầu, tương xứng với ảnh hưởng quốc tế.

Tài liệu cũng cho thấy sự thận trọng trước Nga, nhất là khi hai nước vẫn tranh chấp lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril. Theo Tokyo, hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Bắc Kinh, với tập trận chung gần lãnh thổ Nhật Bản, cùng hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, là “mối quan ngại an ninh” lớn.

Trong khi đó, các hoạt động quân sự gần đây của Triều Tiên như bắn pháo hay phóng thử tên lửa đạn đạo, với một tên lửa bay qua không phận của Tokyo, là “mối đe dọa nghiêm trọng, tức thời, chưa từng có với an ninh quốc gia Nhật Bản”.

Thêm nữa, so với văn bản năm 2013, Chiến lược lần này đề cập nhiều thách thức an ninh phi truyền thống và khái niệm an ninh trong các lĩnh vực khác. Đó là an ninh về kinh tế như bảo đảm chuỗi cung ứng, sự an toàn của hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, công nghệ lõi; an ninh về tài nguyên; an ninh trên không gian số, trên biển hay không gian. Thực tế này đòi hỏi các nước, bao gồm Nhật Bản, nhận thức rõ ràng và có hướng giải quyết.

Giải pháp toàn diện

Trước những thách thức trên, tài liệu đưa ra giải pháp của chính phủ Thủ tướng Kishida Fumio với ba hướng tiếp cận chính.

Đầu tiên, văn bản cho rằng, tăng cường liên minh với Mỹ trên mọi khía cạnh, từ kinh tế, ngoại giao và quân sự là “không thể thay thế” trong bảo đảm an ninh của xứ sở hoa anh đào tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới. Hợp tác với các đồng minh, đối tác khác như Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các mạng lưới chung cũng đặc biệt quan trọng và sẽ được thúc đẩy dưới nhiều hình thức từ quân sự, ngoại giao, hợp tác phát triển kinh tế đến giải quyết vấn đề toàn cầu.

Thứ hai, Nhật Bản ưu tiên giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao và đối thoại với các nước, ngay cả trong vấn đề chủ quyền biên giới lãnh thổ.

Một mặt, Nhật Bản phản đối “các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng” của Trung Quốc. Mặt khác, Tokyo giải quyết bất đồng với Bắc Kinh qua đối thoại, trao đổi về an ninh, quan hệ kinh tế, giao lưu nhân dân và đối phó thách thức toàn cầu. Nhật Bản sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình.

Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ song phương với Hàn Quốc “trên cơ sở nền tảng hợp tác hữu nghị và hợp tác từ năm 1965”, song song với giải quyết bất đồng tồn tại. Về quan hệ với chính quyền Bình Nhưỡng, bên cạnh tuân thủ trừng phạt của Liên hợp quốc, Tokyo tiếp tục thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn và sẵn sàng tìm kiếm giải pháp toàn diện, với vấn đề công dân bị bắt cóc là ưu tiên cao nhất.

Với Moscow, Tokyo sẽ phản ứng phù hợp để “bảo vệ lợi ích quốc gia” trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời, Nhật Bản sẽ ngăn chặn nếu Nga có hành vi “gây tổn hại hòa bình, ổn định, thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”.

Cuối cùng, Chiến lược an ninh quốc gia cũng cho thấy nỗ lực của Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực quốc phòng trước mối đe dọa từ bên ngoài.

Giới quan sát đặc biệt lưu tâm đến việc Tokyo khẳng định sẽ nỗ lực nâng cao “năng lực phản công”, cho phép nước này đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo với tầm bắn 1.000 km. Dự kiến, Nhật Bản sẽ chi 37 tỷ USD cho quá trình này, bao gồm mua tên lửa Tomahawk của Mỹ, nâng cấp tên lửa chống tàu Type-12 và nghiên cứu sản xuất vũ khí siêu thanh. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm năm tới sẽ tăng gấp đôi, đạt 315,75 tỷ USD, đạt 2% GDP.

Công tác phối hợp và hậu cần cũng được đề cập. Nhật Bản sẽ lần đầu tiên thiết lập một bộ chỉ huy trung tâm, với khả năng có sự tham gia phối hợp của Mỹ. Đồng thời, Tokyo sẽ tăng cường và phân tán các kho dự trữ nhiên liệu và đạn dược, với Yomiuri (Nhật Bản) ước tính có thể lên tới 135 cơ sở năm 2035. Đặc biệt, Chiến lược cũng nhấn mạnh Tokyo sẽ nỗ lực cải thiện môi trường, đa dạng hóa và nâng cao năng lực tác chiến của Lực lượng phòng vệ.

Như vậy, có thể thấy Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản phản ánh quan điểm của Tokyo trước thay đổi của thời cuộc, từ đó điều chỉnh nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì vai trò và vị thế tại khu vực và trên thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật