Nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao từ hạt muối Bạc Liêu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013 và cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 sao từ hạt muối Bạc Liêu
Diêm dân huyện Hòa Bình thu hoạch muối.

Phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững

Theo ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Khi nhắc đến hạt muối thì Bạc Liêu vốn nổi tiếng là một tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, người ta gọi muối Bạc Liêu là “muối Ba Thắc” và đặc biệt là với điều kiện tự nhiên đặc thù của tỉnh nên muối Bạc Liêu rất nổi tiếng về chất lượng, muối có độ mặn nhưng không đắng, chát.

Đồng thời, nghề muối tại Bạc Liêu trải qua hơn 100 năm phát triển, mang đầy đủ tính chất của một nghề thủ công truyền thống và mang đầy đủ các đặc trưng của đời sống dân gian, được truyền nghề qua nhiều thế hệ, có rất nhiều hộ gia đình có từ 03 thế hệ làm nghề Muối trở lên, đặc biệt có gia đình đã đến thế hệ thứ 6 nối nghiệp”.

Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối.

“Để phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững, phải tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối; đầu tư phát triển sản xuất muối ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi theo hướng tập trung, hình thành vùng sản xuất muối sạch, gắn sản xuất với chế biến, phát triển các sản phẩm từ muối. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm muối với đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới làm giàu bằng nghề muối.

Thực hiện tốt việc quản lý nhà nước theo quy định của Pháp Luật về di sản văn hóa, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề làm muối; triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh sau khi Đề án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt” - ông Lê Tấn Cận nhấn mạnh.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm muối bạc liêu

Xây dựng thương hiệu Muối Bạc Liêu, sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối; phối hợp, xây dựng và tổ chức Lễ hội Muối định kỳ hàng năm, nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức; tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống “Nghề làm Muối ở Bạc Liêu”, cùng với niềm vinh dự, tự hào đó là trách nhiệm phải bảo tồn và phát huy di sản ngày càng tốt hơn.

Nhiều sản phẩm muối của Công ty Cổ phần Muối và thương mại Bạc Liêu đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Ông Lê Tấn Cận cho biết thêm: “Sản phẩm muối đạt chuẩn OCOP là cơ sở giúp Bạc Liêu nâng cao giá trị hạt muối. Nhiều sản phẩm muối tinh chế còn được xuất khẩu sang một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các sản phẩm muối Bạc Liêu còn có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như nâng cao giá trị muối Bạc Liêu, góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân và bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm muối. Đồng thời, góp phần rất quan trọng trong sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói chung trong thời gian tới”.

Muối Bạc Liêu hiện có 10 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”, Trong đó, có 7 sản phẩm muối của Công ty Cổ phần Muối và thương mại Bạc Liêu đạt chuẩn OCOP 4 sao; 3 sản phẩm muối đạt chuẩn OCOP còn lại của Công ty Cổ phần Muối Đông Hải. Đến nay, muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm duy nhất được đưa vào thị trường Nhật, điều đó cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong, ngoài nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật