Ngoài nữ tình báo "Người đẹp Tây Đô" Lâm Thị Phấn, chúng ta không thể không nhắc đến người đẹp mang tên Đặng Hoàng Ánh. Bà được ghi nhận là một nữ tình báo sở hữu nhan sắc "chim sa cá lặn", thông minh và tài giỏi. Song ít ai biết rằng bà lại có một cuộc đời vô cùng truân chuyên, không cưới được người mình yêu và sống cô đơn tuổi về già.
Từ quận chúa trở thành nữ tình báo hoạt động cách mạng
Bà Đặng Hoàng Ánh tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Diệp (SN 1932) tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình trí thức giàu có. Bà và vua Bảo Đại là họ hàng nên được gọi là quận chúa.
Sử sách chép rằng, từ nhỏ quận chúa Ngọc Diệp đã sống trong nhung lụa và được học đủ các lễ nghi của triều Nguyễn. Bà mang vẻ đẹp của người con gái xứ Huế: dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng... đồng thời còn học rộng, hiểu cao.
Khi đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, người thân trong gia đình quận chúa đã bị thiệt mạng, chỉ còn mình bà sống sót. Lúc này, bà nuôi ý chí trả thù bằng cách cố gắng học tập, hoàn thành tú tài rồi thi đỗ Đại học Y Hà Nội.
Quận chúa được "người của cách mạng" đánh giá là cô gái thông minh và gan dạ, ý chí kiên cường nên được cử đi học lớp phản gián ở Đông Cao Miên. Đây là khóa học tạo tiền đề để bà trở thành nữ tình báo chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Năm 1952, quận chúa quay về nước và tiếp tục theo học tại trường Đại học Y Hà Nội. Bà đã giành được học bổng sang Pháp du học. Đến năm 1958, bà trở về Việt Nam móc nối lại với tổ chức để hoạt động cách mạng với hi vọng đất nước sớm đánh bại quân xâm lược, giành lại độc lập và tự do.
Tại Sài Gòn, trong cuộc họp bí mật, tổ chức cách mạng nhận định với bằng y danh tiếng, quận chúa Ngọc Diệp cần phải đi xin việc ngay. Bởi tổ chức cần bà chọc sâu vào lòng địch. Bà đã không phụ lòng mong mỏi của tổ chức, nhanh chóng xin được việc, tạo vỏ bọc tốt trong việc hoạt động tình báo.
Nhờ khả năng ứng biến giỏi, nữ tình báo đã tham gia nhiều sự kiện, trong đó nổi bật nhất là trận nổ làm sập Tòa Đại sứ quán của Mỹ xảy ra lúc 10h 45 phút ngày 29/5/1965. "Năm 1964 lực lượng biệt động Sài Gòn lên kế hoạch đánh bom Đại sứ quán Mỹ. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ giết Carborlos - cố vấn cao cấp của Mỹ. Phải khó khăn lắm, tôi mới phát hiện hắn sang Việt Nam với cái tên là Taylor.
Trong vai ca sĩ - vũ nữ Thu Nga, tôi bắt quen và hút hồn Taylor khiến ông ta phải cầu hôn. Nhờ mối quan hệ thân thiết này, tôi dễ dàng đưa bom vào Đại sứ quán. Thời gian đó, tôi phải chịu tiếng xấu là gái hư theo Tây, phản bội đất nước", nữ tình báo chia sẻ trong một bài phỏng vấn với báo giới.
Sau trận đánh bom, Đại sứ quán Mỹ đổ nát. Quận chúa bị cánh sát và mật thám truy nã gắt gao. Bà trốn vào chùa rồi vài tháng sau mới liên lạc được với tổ chức.
Hình ảnh quận chúa lúc còn nhỏ và khi về già.
Quận chúa Ngọc Diệp còn tham gia vào nhiều sự kiện như: Tiến hành vụ ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng bất thành, xung phong đánh bom cảm tử ở rạp chiếu bóng Ngọc Lan (Đà Lạt) ngày 28/9/1969 khiến hàng trăm sĩ quan Mỹ và chính quyền Sài Gòn chết và bị thương. Sau đó bà xung phong cùng đội cảm tử sang công tác và chiến đấu tại chiến trường Lào 3 năm.
Cuối tháng 4/1972, bà bí mật về nước để cùng một nhóm biệt động thâm nhập vào cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh của chính quyền Sài Gòn. Bà đã bị quân địch bị phục kích, bắt và đưa về giam tại Ty an ninh tỉnh Tuyên Đức. Tại đây, bà bị tra tấn hết sức dã man trong 3 tháng rồi được cứu thoát và lại tiếp tục công việc hoạt động tình báo cho đến ngày giải phóng.
Đáng nói, trong quá trình hoạt động cách mạng, quận chúa Ngọc Diệp liên tục đổi tên như cô Tư mắt kiếng, Lâm A Mùi, Hoàng Nga, ba Diệp... Và sau khi Sài Gòn giải phóng, bà mới đổi họ tên thành Đặng Hoàng Ánh.
Tình duyên nhiều trắc trở, về già sống trong cô đơn
Quận chúa làm nữ tình báo lẫy lững bao nhiêu thì cuộc đời lại thăng trầm bấy nhiêu. Trước khi du học ở Pháp, bà có tình cảm với ông Phước - tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long - người có tri thức, đầy quyền lực và trẻ tuổi. Ông đã cầu hôn nhưng bà hẹn sẽ trả lời khi khóa học hoàn thành.
Thế nhưng, bà vừa từ Pháp trở về nước đã phải kết hôn với một vị giáo sư yêu nước hơn bà đến 24 tuổi. Bà phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để trở thành vợ chồng với người đàn ông không có tình cảm.
Quận chúa và vị giáo sư có hai người con nhưng con gái mất khi còn nhỏ, con trai được cha đưa sang Pháp từ tấm bé. Vì thế lúc về già bà sống trong cô quạnh tại Lâm Đồng.