Người đàn ông bé nhỏ đêm đêm thức cùng con đập khổng lồ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã 6 năm kể từ ngày về hưu, ông Lê Văn Thân vẫn quen dậy lần đầu vào lúc 1h đêm, lần hai vào lúc 3h30 và thức cùng con đập khổng lồ tới sáng.
Người đàn ông bé nhỏ đêm đêm thức cùng con đập khổng lồ
Ông Lê Văn Thân đã hơn nửa cuộc đời gắn bó với đập Thảo Long cũ và đập Thảo Long mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tình yêu con đập và tình yêu trai gái

Pha trà, châm thuốc rồi ông lặng lẽ nhìn ra mặt sông Hương mênh mông sóng nước, nơi có con đập khổng lồ Thảo Long (TP Huế) và ánh đèn từ Trạm quản lý bên phía bờ kia hắt ra, giống như cách mà 33 năm ông vẫn thường làm khi còn là công nhân thủy lợi.

Bàn chân ông thỉnh thoảng như vô thức đi giữa cái sống của cánh cửa đập bằng thép rộng chừng 40 cm. Qua 15 cánh cửa rộng 31.5m như thế cùng với 1 âu thuyền rộng 8m là sang đến bên kia bờ của sông Hương.

Đôi bàn chân thuộc từng vết sứt bê tông trên các trụ đỡ, từng vết rỉ trên các cánh cửa nên không cần đèn, ông cũng chẳng bước hụt bao giờ.

“Nhiều khi tôi vẫn tưởng như mình đang còn làm việc, cứ bước đi như thế. Có tối trời mưa giông, tôi vội chạy xe máy qua, tới cổng Trạm Phú Cam-Thảo Long (Trực thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên-Huế) định nhắc anh em tắt mạng để tránh sét đánh nhưng lại sực nhớ mình đã về hưu rồi nên đành phải quay về. Sau này, tối tối vẫn giờ đó tôi cứ thức nhưng không đi nữa mà chỉ nằm trằn trọc suy nghĩ.

Vợ tôi thấy thế mới bảo: “Ông về hưu rồi còn qua đó mần chi? Tối cũng đừng thức, lo cho nó mất sức”.

Phải mất hơn một năm sau khi cầm sổ hưu tôi mới dần trở về trạng thái bình thường, bởi đi đâu, làm gì cũng nhớ đập Thảo Long, nhớ anh em Trạm.

Khi chia tay họ, tôi cứ như bố phải xa con đi làm ăn lâu ngày vậy. Bộ đồng phục cũ tôi vẫn còn giữ để mặc vì nhớ mùi dầu mỡ còn ám trên đó, mãi về sau nó rách mới phải vứt đi. Không hiểu sao đời công nhân thủy lợi nghèo thế, vất vả thế mà tôi vẫn yêu nó đến vậy?”.

Quê gốc ở Quảng Bình, ông Thân đi bộ đội đến năm 1979 thì giải ngũ, chuyển ngành về làm ở Công ty Xây lắp thủy lợi 2 ở Thừa Thiên-Huế đến năm 1983 thì được điều về Trạm Quản lý đập Thảo Long. Lúc đó nó vẫn chỉ là con đập tạm, dùng tre để đóng cừ, trải bao cát ngăn, rồi sau đó cột bê tông thay thế cho cột tre. Đập có 128 cánh cửa tất cả, gồm 47 cánh bê tông, còn lại là cánh gỗ trò ghép lại với nhau.

Đập Thảo Long nhìn từ phía thượng nguồn sông Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ làng Thuận Hòa B về đập rồi từ đập đến Cồn Tè dài hơn 2 km nhưng không có nhà cửa gì hết mà chỉ độc ngôi nhà mái ngói của Trạm Quản lý-nơi ở của mấy con người. Đường đi không có chỉ toàn là bờ ruộng và lúa cũng chỉ làm được một vụ, còn một vụ bỏ hoang cỏ lăn, cỏ nác mọc đầy.

Công việc của anh em Trạm Quản lý đập Thảo Long lúc đó rất cực nhọc vì vận hành bằng thủ công. Chuẩn bị vào mùa cạn, công nhân phải mang những cánh cửa cống bằng gỗ nặng cỡ 2 tấn, cột dưới bụng thuyền để chở ra sông, thả xuống, dùng đòn quay lắp nó vào vai bò. Đến mùa lũ, 47 cửa cánh bê tông thì để lại nhưng các cánh cửa gỗ lại phải tháo ra, mang về buộc lên bờ bởi vì sợ sóng cuốn trôi mất.

Có những lúc cánh cửa gỗ của đập Thảo Long xếp từng đống ở trên bờ dù đã cột chặt bằng dây thừng rồi mà nước lụt vẫn cứ kéo băng băng đi. Đang ăn cơm trông thấy thế, ông Thân liền quăng vội bát đũa, mình vẫn ở trần, chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn nhảy phốc lên đò, giật cho máy nổ, đuổi theo ra tận gần cửa biển Thuận An để tìm vớt từng tấm một.

Đập Thảo Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Sơn-Công Điền.

Riêng việc kéo ra lắp ráp rồi lại tháo ra, kéo về những cánh cửa nặng 2 tấn ấy đã tốn chừng 10 ngày. Đóng xong hết 128 cánh cửa gỗ, là Tổ trưởng Tổ Quản lý Công trình nên ông Thân phải trực tiếp lặn xuống kiểm tra từng cái một, cái nào không kín thì ghi vào sổ, đợi khi nước rút, cho anh em đi sửa. Có nhiều viên đá hộc ở đáy đập bị sóng xô, ông phải bê ra, chỉnh lại.

Dưới đáy sông không thể đi giày mà lặn được nên ông phải để chân trần, dẫm vào những con hàu thân sắc như lưỡi dao, chảy máu là chuyện thường xuyên nhưng chẳng đáng sợ bằng nước triều đột ngột lên, cửa tự đóng, kẹt luôn chân người vào thì chỉ có nước chết. Bởi thế không ỷ vào chuyện mình có thể lặn một hơi dài hơn 1 phút, khi tác nghiệp ông Thân luôn ở tư thế đề phòng bất trắc.

Vì đáy đập xếp bằng đá hộc, cửa đập bằng các cánh gỗ lắp ghép sơ sài như thế nên vẫn bị rò rỉ mặn. Năm 1985 có một trận lụt to, sóng đánh trùm qua cả nóc nhà Trạm Quản lý đập Thảo Long.  Anh em công nhân khi ấy dù nằm dưới một khúc hiên có đoạn mái chìa ra vẫn ướt như chuột lột nhưng không rời tay ôm chặt lấy dui, mè vì sợ sóng đẩy ra tận cửa biển.

Sau đợt lụt năm 1986 Công ty cho dỡ mái nhà của Trạm Quản lý, xây nối lên thêm một tầng nữa. Cũng năm đó, ông Thân yêu rồi cưới cô gái làng Thuận Hòa B biết cảm thông với đời công nhân thủy lợi nghèo và giờ giấc bất thường. Họ cất căn nhà gần Trạm Quản lý để ở. Trên khuôn viên nhà, ngay sát bờ sông có 2 ngôi mộ nghe nói của lính Việt Nam Cộng Hòa chạy nạn 1975 chết dạt từ cửa biển Thuận An vào, vô chủ nên vợ chồng ông vẫn thắp hương thay cho người thân họ mỗi ngày rằm và mồng một.

Cảnh bình yên bên đập Thảo Long. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phút giây niệm Phật, cầu sao cho khỏi chết

Năm 1999 trời mưa liên tục 3 ngày 3 đêm. Nước từ trên thượng nguồn sông Hương đổ về cuồn cuộn ngập hết tầng một Trạm Quản lý, anh em công nhân bị đói rét, bị lũ bủa vây chỉ còn nước niệm Phật, cầu sao cho khỏi chết. Căn nhà riêng của vợ chồng ông Thân bị lũ cuốn trôi, may mà vợ con đã kịp chuyển sang Trạm trú nhờ.

Gạo không chuẩn bị kịp, chỉ có mấy bao thóc nhưng lại không có máy xát, mọi người phải thay nhau bỏ thóc vào cái cối tiêu mà đâm, mỗi mẻ 1-2 tiếng giã rời tay mới được một nhúm, bỏ vào nước cho trấu nổi lên, gạo chìm xuống mà đãi. Mất cả buổi mới đủ gạo để nấu cho 5-6 con người ăn cùng với mắm, muối.

Đêm hôm đó, ông Thân nghe thấy một tiếng nổ rền vang như sấm dậy khi cả xóm Hà Duân ở cửa biển Thuận An bị nước lũ cuốn trôi, hình thành nên cái cửa biển mới rộng vài trăm mét bên cạnh cửa biển cũ. Giường tủ, lợn gà trêu lều bều, người chết rất nhiều. Phải hơn một tuần sau nước mới chịu rút và để lại lớp bùn dày đến ngang đầu gối.  

Có những đêm ông Thân cứ đi trên những sống lưng của các cánh cửa đập như thế này sang tận bờ bên kia của sông Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đời làm công nhân đập Thảo Long khi ấy khổ nhất từ tháng 12 tới tháng 3, phải sửa chữa cửa liên tục. Lực nước chảy mạnh, dù đã buộc những sợi thép phi tám nhưng vẫn thường xuyên bị đứt. Gió lớn mà không xử lý kịp, để triều lên nước mặn sẽ xâm nhập vào sông Hương ngay lập tức.

Ngày đã thế, đêm đêm ông Thân lại chạy đò để cảnh báo cho các thuyền lớn khỏi đâm vào cửa đập, hay đề phòng kẻ trộm tháo mất những tấm gỗ ẩn sâu bên dưới. Bởi thế, có khi đang ngủ mà nghe thấy tiếng máy nổ ông cũng bật dậy và thức tới sáng. Mùa cạn đã vậy, mùa mưa bão còn cực hơn, khi ông cùng anh em phải lặn xuống đáy sông, mò từng tấm ván cửa để đưa vào bờ, có cái tìm được, có cái không vì lũ đã cuốn trôi mất lúc nào không biết.

Cuộc đời ông Thân đã chứng kiến nhiều chuyện đổi thay của dòng sông Hương cũng như của người dân trong vùng. Từ cấy lúa một vụ bấp bênh, phải đào củ năn ngoài đồng, thứ mà chuột cũng không thèm ăn về luộc đến khi cấy hai vụ chắc ăn. Từ năm 1983-1986 không có đường toàn đi bộ, khi có việc phải bắt đò dọc sông Hương lên thành phố Huế. Từ năm 1987 có đường nhỏ, sắm được xe đạp, từ năm 1995 có đường lớn, sắm được xe máy, xe hơi.

Con đập khổng lồ luôn trong tâm trí của ông Thân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng đổi thay lớn nhất đối với ông chính là con đập Thảo Long mới được hoàn thành nên năm 2008 con đập cũ đã bị phá đi. Những cánh cửa gỗ tháo ra, cái hỏng thì đem làm củi, cái còn dùng được Công ty cấp cho các HTX trong vùng để làm phai cống. Những tấm ván gỗ tưởng chừng như vô tri vô giác mà vắng chúng ông thấy buồn, thấy nhớ. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, ông cũng vui vì từ đang vận hành hoàn toàn thủ công, phải ra tận nơi để đóng mở cửa cống thì nay mọi thứ chỉ cần ngồi trong phòng mà bấm nút, công nhân bớt phần nào cực nhọc…

Sau khi ông Thân về hưu thì con trai Lê Ngọc Quân lại tiếp nối bố vào làm công nhân của Công ty nhưng nó làm ở một Trạm bơm khác. Ông vẫn thường thủ thỉ với con mình rằng, nghề này nghèo nên phải đam mê và có trách nhiệm chứ đừng đặt nặng vấn đề kinh tế….Đôi lúc ông lại mượn bộ đồng phục thủy lợi của nó, xỏ chân vào cái dép giọ, mặc cái áo, cái quần mà mừng như muốn khóc. Tuổi trẻ của ông, 33 năm liền gắn bó với chuyện đi lặn nơi đáy sông, đi vặn ốc vít nơi cửa đập Thảo Long như được sống lại trong một giây lát.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật