Chuyện về những con người mang họ Bác Hồ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những người con Vân Kiều – Pa Cô luôn tự hào khi được Bác Hồ đồng ý đề đồng bào mình mang họ Bác. Hơn 65 năm, họ luôn tự hào và luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, sống xứng đáng với niềm tin yêu của Người dành cho.
Chuyện về những con người mang họ Bác Hồ
Già làng người Vân Kiều chia sẻ những kinh nghiệm của đồng bào mình cho lớp trẻ.

Tự hào được mang họ Bác Hồ

Trong những chuyến công tác tại những làng bản phía Tây Quảng Bình, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu về đời sống của bà con Vân Kiều nơi đây. Được những con người của núi rừng chia sẻ về đời sống, những phong tục tập quán đặc sắc được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

Trong những cuộc trò chu‌yện ấ‌y, những người con Vân Kiều vẫn luôn tự hào khi đồng bào mình được mang họ Bác Hồ hơn 65 năm nay. Theo những bậc cao niên, xưa kia người Vân Kiều sống biệt lập nơi rừng hoang núi vắng, lối sống còn nhiều lạc hậu.

Trong những cuộc kháng chiến của đất nước, đồng bào dân tộc Vân Kiều đã có những đóng góp lớn lao khi đã đùm bọc, cưu mang hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong; vận động hàng trăm con em lên đường làm nghĩa vụ quân sự...

Rồi cách mạng thành công đã đưa đồng bào Vân Kiều thực sự trở thành những người chủ của bản làng, họ càng tin vào con đường của Đảng. Các thế hệ đồng bào Vân Kiều biết ơn công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ đã giúp họ đổi đời và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bác Hồ trên lễ đài tại sân vân động Đồng Hới, trong chuyến thăm tỉnh Quảng Bình vào ngày 16/6/1957 (ảnh internet).

Thời gian ấy, người Vân Kiều chỉ có tên không họ. Năm 1957, khi Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Bình, người Vân Kiều - Pa Cô ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đã cử những người có uy tín nhất về để được gặp Bác Hồ, xin cho người Vân Kiều, Pa Cô được mang họ Hồ của Bác.

65 năm trôi qua kể từ ngày được mang họ của Bác, người Vân Kiều - Pa Cô luôn mang trong mình một niềm tự hào và một lòng tin son sắt vào lý tưởng mà Bác đã lựa chọn, tự nhắc mình luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, sống xứng đáng với niềm tin yêu của Người dành cho.

Phải làm sao để xứng đáng với cái họ mình đang mang

Ngày nay, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng người Vân Kiều đã ý thức vươn lên thoát nghèo hướng tới làm giàu. Tự hào được mang họ Bác Hồ, đồng bào Vân Kiều không ngừng học tập phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần làm cho quê hương thêm giàu đẹp.

Cuộc sống của bà con Vân Kiều ngày nay đã có nhiều đổi khác, phát triển dần.

Ông Hồ Thạch, (62 tuổi ) trú bản Cẩm Ly, xã miền núi Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được bà con trong bản làng xem là một tấm gương tiên phong về phát triển kinh tế, làm giàu bền vững.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, luôn nơm nớp lo thiếu ăn từng bữa. Lúc đó tư duy phát triển kinh tế còn hạn chế, người dân cứ quanh quẩn vào rừng mưu sinh, chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo.

Trong tư duy của ông Hồ Thạch luôn suy nghĩ làm sao để thoát nghèo, vươn lên làm giàu xứng đáng với họ Hồ mình đang mang.

Trăn trở phải làm sao vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương của mình mới xứng đáng là con em mang họ của Bác Hồ. Ông Hồ Thạch đã khăn gói về miền xuôi để xem, để học hỏi xem người ta làm kinh tế ra sao, làm như thế nào mà có của ăn của để.

Từ 2 bàn tay trắng, bây giờ ông Hồ Thạch đã có 20 héc ta rừng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Cùng với đó là phát triển mô hình gia trại nuôi lợn, nuôi vịt kết hợp ao cá.

Từ 2 bàn tay trắng, bây giờ ông Hồ Thạch đã có cơ ngơi của riêng mình.

"Cũng đi học hỏi kinh nghiệm từ các anh em sống ở đồng bằng, người ta bày cho, rồi thấy người ta làm ăn hiệu quả thì mình học hỏi theo. Mình là một người đồng bào dân tộc Vân Kiều được vinh dự mang họ Hồ của Bác. Để xứng đáng với điều đó thì phải tin theo Đảng, Nhà nước, phải chịu khó chịu khổ để làm ăn để đưa lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, bà con, để xứng đáng khi mang họ Hồ của Bác", ông Hồ Thạch cho biết.

Còn tại xã biên Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), bà Hồ Thị Thoi được xem là một trong những tấm gương điển hình của người phụ nữ Vân Kiều. Bà Thoi sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng và là người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên ở Quảng Bình giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Bà từng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các Dân tộc thiểu số năm 2019.

Bà Hồ Thị Thoi (bìa phải), là người phụ nữ Vân Kiều giỏi giang, xứng đáng với họ Hồ của Bác.

Sinh ra và lớn lên tại bản La Trọng, xã vùng biên Trọng Hóa nghèo khó, tuổi thơ cơ cực đã rèn cho người phụ nữ Vân Kiều trở nên nghị lực và mong muốn đưa quê hương mình trở nên giàu đẹp, đồng bào ấm no hạnh phúc.

Bà Thoi tham gia đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, đã đi hết 18 bản trên địa bàn xã, đến những hộ ở xa, khó khăn nhất để vận động, hướng dẫn bà con chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, trong quá trình công tác, bà Thoi không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, trình độ.

Người phụ nữ Vân Kiều này cũng là người tiên phong trong phát triển kinh tế của địa phương. Bà nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi, vừa làm vừa vận động các hộ đồng bào làm theo. Nhờ đó mà trên địa bàn xã có thêm nhiều mô hình làm kinh tế giỏi.

"Được mang họ Hồ rất là vinh dự, nhắc đến họ Hồ là nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó bản thân cũng như bà con đồng bào trên địa bàn luôn cố gắng phấn đấu học tập rèn luyện. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, học hành đầy đủ. Bản thân tôi được bà con luôn ủng hộ, tin tưởng để tôi luôn cố gắng trong chỉ đạo, lãnh đạo làm thế nào để đưa đời sống bà con nhân dân từng bước được nâng lên", bà Hồ Thị Thoi chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật