Lâm Đồng: Đề xuất 14 khu vực phát triển kinh tế đêm tại TP. Đà Lạt

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo phương án đề xuất của Đà Lạt, có 6 mô hình kinh tế đêm được thí điểm triển khai giai đoạn 2022 - 2025 và 8 mô hình kinh tế đêm triển khai trong tương lai.
Lâm Đồng: Đề xuất 14 khu vực phát triển kinh tế đêm tại TP. Đà Lạt
Một góc chợ đêm Đà Lạt ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: CTV

Ngày 6/4, UBND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề nghị góp ý dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt, để có cơ sở hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trước khi triển khai thực hiện.

Theo dự thảo đã được chỉnh sửa, bổ sung theo nội dung Thông báo số 64 ngày 29.3.2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Dự thảo đề xuất 6 mô hình kinh tế đêm thí điểm triển khai giai đoạn 2022 - 2025, gồm:

Mô hình công viên nhạc nước

Hoạt động tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt. Hình thành mô hình tham quan, mua sắm về đêm: Mô hình nhạc nước đa phương tiện tại 3 vị trí trong khuôn viên của vườn hoa (kết hợp giữa nước, nhạc và ánh sáng tạo nên những vũ điệu ấn tượng và đẹp mắt; các vòi phun nước được điều khiển thông qua lập trình sẵn phun nước theo giai điệu kết hợp với ánh sáng lung linh, độc đáo trong đêm tạo sức thu hút khán giả).

Xây dựng các tiểu cảnh hoa theo mùa kết hợp với hệ thống đèn LED trang trí, đèn chiếu sáng cảnh quan, khu vực hài hòa, tôn lên nét đẹp các tiểu cảnh phục vụ cho hoạt động tham quan, chụp hình về đêm. Lắp đặt sân khấu trên mặt nước, mời các ca sỹ, ban nhạc, ảo thuật gia nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia biểu diễn nghệ thuật, ảo thuật hàng đêm.

Bố trí, sắp xếp và hình thành thêm các gian hàng tham quan, mua sắm tại các vị trí phù hợp với các mặt hàng mỹ nghệ, đặc sản, nông sản đặc thù của thành phố Đà Lạt.

Hình thức hoạt động theo mô hình tham quan có thu phí; loại hình đầu tư dài hạn, thu hồi vốn thông qua bán vé tham quan. Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị thực hiện đầu tư từ nguồn vốn của đơn vị hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vườn hoa thành phố Đà Lạt được tạo lập năm 1966, tọa lạc tại đường Bà Huyện Thanh Quan. Ảnh: CTV

Lộ trình thực hiện dự kiến: Quý III.2022 hoàn thiện thiết kế thi công và báo cáo kinh tế kỹ thuật trình UBND thành phố Đà Lạt xem xét phê duyệt. Quý IV.2022 tổ chức triển khai xây dựng hoàn thành mô hình. Đầu quý I.2023 tổ chức hoạt động thí điểm, bước đầu chỉ tổ chức hoạt động vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Quý II.2023 tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình để xem xét, hoàn thiện mô hình.

Mô hình khu phố đi bộ

Hoạt động tại đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) với chiều dài 1.600m. Hình thành khu phố đi bộ với các loại hình: Hoạt động biểu diễn nghệ thuật thu hút các nhóm nhạc, vũ điệu đường phố, trượt patin nghệ thuật, chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác thủ công, mỹ nghệ.

Hoạt động mua sắm với mô hình các toa xe lửa trang trí đẹp, bố trí toa xe uốn lượn theo cung đường, hài hòa với cảnh quan khu vực; bố trí kinh doanh ẩm thực nhẹ (thức ăn nhanh, món nướng, thức uống nóng), kinh doanh nông sản, đặc sản địa phương.

Hoạt động tham quan mặt hồ, chuyên chở khách bằng các thuyền trang trí đẹp từ khu vực Quảng trường Lâm Viên sang khu phố đi bộ (Từ cầu chữ Y đối diện Quảng trường, cầu chữ Y đối diện nhà nghỉ Công đoàn sang các cầu chữ Y thuộc khu phố đi bộ).

Hình thức thực hiện: Nhà nước kêu gọi đầu tư theo hình thức cho thuê đất, mặt nước trả tiền hàng năm, nhà đầu tư trúng thầu tổ chức thực hiện mô hình theo phương án được duyệt; thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc cho thuê mặt bằng, thu phí vận chuyển (thuyền hoa).

Đối với loại hình tham quan không thu phí (khu phố đi bộ): Nhà đầu tư xây dựng các gian hàng, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách đến với khu phố đi bộ, tự tổ chức hoạt động kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, quầy kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Loại hình có thu phí (loại hình chuyên chở khách bằng thuyền hoa): Nhà đầu tư xây dựng mô hình thuyền hóa theo thiết kế được duyệt.

Kinh phí thực hiện đầu tư mở rộng đường giao thông từ vốn ngân sách nhà nước; đầu tư thực hiện mô hình khu phố đi bộ từ nguồn vốn nhà đầu tư.

Vị trí khu vực đường Trần Quốc Toản, đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố (còn gọi Vườn hoa Bích Câu) trên Google map

Lộ trình thực hiện dự kiến: Năm 2022 UBND thành phố Đà Lạt xây dựng phương án mở rộng đường giao thông (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương, bố trí kinh phí thực hiện. Sau khi chủ trương mở rộng đường giao thông được phê duyệt, UBND thành phố Đà Lạt xây dựng dự án trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thi công, hoàn thành trong năm 2023.

Bên cạnh đó, năm 2022 xây dựng phương án đấu thầu theo hình thức cho thuê đất, mặt nước trả tiền hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để tiến hành kêu gọi đầu tư. Năm 2023 tổ chức kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư xây dựng phương án, thiết kế trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quý I.2024 nhà đầu tư triển khai xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động theo phương án, thiết kế được duyệt. Quý II.2024 tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai hoàn thiện mô hình.

Mô hình chợ đêm

Hoạt động tại khu vực Công viên Ánh Sáng. Hình thành chợ đêm mới với hình thức hiện đại, mỹ quan hơn, phương thức quản lý hiệu quả hơn thay thế cho mô hình chợ đêm hiện nay tại đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Hình thành các gian kinh doanh thương mại với các sản phẩm hàng lưu niệm, hàng hóa đặc trưng của Đà Lạt, các gian hàng ẩm thực đêm. Bố trí hoạt động chế tác tranh ảnh nghệ thuật, chế tác hàng lưu niệm, biểu diễn ảo thuật, vũ điệu.

Hình thức thực hiện: Nhà nước kêu gọi đầu tư theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm, nhà đầu tư trúng thầu tổ chức thực hiện mô hình theo phương án, thiết kế được duyệt; thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc cho thuê mặt bằng, thu phí dịch vụ giữ xe.

Kinh phí thực hiện đầu tư bãi đậu xe ngầm và chợ đêm từ nguồn vốn của nhà đầu tư; Ngân sách nhà nước đầu tư công viên cảnh quan.

Khu vực Công viên Ánh Sáng được định hướng hình thành chợ đêm mới thay thế cho mô hình chợ đêm hiện nay tại đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: CTV

Lộ trình thực hiện dự kiến: Quý II - Quý III.2022 hoàn thiện quy hoạch khu công viên Ánh Sáng trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Quý IV.2022 xây dựng phương án đấu thầu theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để tiến hành kêu gọi đầu tư. Quý I.2022 - Quý II.2023 tổ chức kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quý II - Quý III.2023 nhà đầu tư xây dựng phương án, thiết kế trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quý IV.2023 - Quý II.2024 nhà đầu tư triển khai xây dựng phương án, thiết kế được duyệt. Quý II.2024 tổ chức hoạt động thí điểm; đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai hoàn thiện mô hình.

Mô hình tuyến phố ẩm thực

Hoạt động tại khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ với tổng chiều dài 900m. Hình thành tuyến phố ẩm thực với các món ăn đặc trưng của các vùng miền Việt Nam. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh hiện có đầu tư, nâng cấp mở rộng hoạt động kinh doanh về đêm với loại hình kinh doanh ẩm thực độc đáo với các món ăn đặc trưng của các vùng miền Việt Nam, hàng lưu niệm, đặc sản đặc trưng của Đà Lạt.

Trang trí đèn chiếu sáng, đèn trang trí tại khu vực thẩm mỹ nhằm thu hút sự tham gia của du khách. Các cơ sở kinh doanh đầu tư thêm các loại hình văn hóa, nghệ thuật, hoạt động mua sắm phù hợp để thu hút khách.

Vị trí khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ trên Google map

Sau khi lấy ý kiến nhân dân tại khu vực, nếu có trên 80% ý kiến đồng ý, nhà nước cho chủ trương thực hiện mô hình tuyến phố ẩm thực; người dân sinh sống trong khu vực tự đầu tư hoặc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mặt bằng để kinh doanh.

Lộ trình thực hiện dự kiến: Tháng 6.2022 tổ chức lấy ý kiến người dân sinh sống trong khu vực đường Trần Lê. Quý II.2022 tổ chức tập huấn triển khai mô hình. Đầu quý III.2022 tổ chức hoạt động, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối năm 2022 và triển khai các hoạt động tiếp theo.

Mô hình tuyến phố đêm

Hoạt động tại đường Ba tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (phường 1, thành phố Đà Lạt). Hình thành tuyến phố đêm với các loại hình hoạt động: nightclub, pub, bar, game, cà phê, ẩm thực, mua sắm vào ban đêm.

Sau khi lấy ý kiến nhân dân tại khu vực, nếu có trên 80% ý kiến đồng ý, nhà nước cho chủ trương thực hiện mô hình tuyến phố ẩm thực; các cơ sở hiện có tổ chức hoạt động xuyên đêm, người dân sinh sống trong khu vực tự đầu tư hoặc cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê mặt bằng để kinh doanh.

Vị trí tuyến đường Ba tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (phường 1, thành phố Đà Lạt) trên Google map

Lộ trình thực hiện dự kiến: Tháng 6.2022 tổ chức lấy ý kiến người dân sinh sống trong khu vực. Quý II.2022 nâng cấp cơ sở hiện có, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các cơ sở mới. Đầu quý IV.2022 tổ chức hoạt động, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối năm 2022 và triển khai các hoạt động tiếp theo.

Khu vực Quảng trường Lâm Viên

Mô hình kinh tế đêm tại Quảng trường Lâm Viên sẽ nâng cấp, tăng thời gian phục vụ và phát triển mới các dịch vụ mua sắm cao cấp, ẩm thực, vui chơi, giải trí hiện hữu tại: khu vực Quảng trường, Trung tâm thương mại Go! Đà Lạt, Trung tâm thương mại quốc tế (đang triển khai xây dựng) như cà phê, rạp chiếu phim, bowling, hoạt động mua sắm…

Tiếp tục các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại khu vực quảng trường như đi bộ, chụp hình check in, trượt patin, văn nghệ đường phố, vận động sự tham gia của các đoàn viên thanh niên, các nhóm nghệ thuật quần chúng, nhóm nhảy để làm phong phú, đa dạng hoạt động tại khu vực.

Đối với hoạt động kinh doanh: Nhà nước cho chủ trương, cơ sở kinh doanh hiện hữu, nhà đâu tư thực hiện theo phương án được duyệt. Đối với hoạt động vui chơi, giải trí công cộng: nhà nước định hướng, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia để làm phong phú, đa dạng hoạt động tại khu vực.

Lộ trình thực hiện dự kiến: Qúy II.2022 tổ chức làm việc với các cơ sở kinh doanh, nhà đầu tư tại khu vực để triển khai các hoạt động về đêm; xây dựng kế hoạch hoạt động tại khu vực công cộng. Quý IV.2022 tổ chức hoạt động, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối năm 2022 và triển khai các hoạt động tiếp theo.

Quảng trường Lâm Viên với các kiến trúc hoa dã quỳ, atisô... tọa lạc ở đường Trần Quốc Toản, đối diện hồ Xuân Hương. Ảnh: CTV

Ngoài 6 mô hình kinh tế đêm đề xuất thí điểm, dự thảo cũng đưa ra kế hoạch phát triển mô hình kinh tế đêm tương lai với 8 khu vực:

Khu giải trí đêm tại tầng hầm sân Golf Đà Lạt: mô hình giải trí về đêm tại sân Golf Đà Lạt (tầng hầm giáp khu phố đi bộ) với tổ hợp các loại hình vui chơi, giải trí như bar, ăn uống, rạp chiếu phim, game,… Mô hình này sẽ bổ sung cho mô hình khu phố đi bộ tạm ngưng hoạt động vào những ngày mưa bão. Nhà nước cho chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện theo phương án, thiết kế được duyệt.

Khu trung tâm Hòa Bình: Hình thành khu trung tâm phức hợp đa chức năng với nhiều loại hình dịch vụ và giải trí hiện đại phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch. Kêu gọi đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ sở hiện có đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.

Công viên Bà Huyện Thanh Quan: Xây dựng công viên cảnh quan kết hợp với hình thành mô hình vui chơi, giải trí có quy mô lớn, hiện đại. Kêu gọi đầu tư.

Khu dân cư Lữ Gia: kết hợp với phố đi bộ, chợ đêm tại khu vực phía bắc hồ Xuân Hương với định hướng hình thành tuyến phố kiểu mẫu được đồng bộ về tiện ích, hạ tầng xã hội, hạ tầng kiến trúc, đảm bảo về dịch vụ; định hướng phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực. Kêu gọi đầu tư.

Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm: Hình thành tổ hợp các mô hình vui chơi, giải trí về đêm tại Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, trong đó phát triển các mô hình mới như casino, dịch vụ vui chơi có thưởng, các loại hình giải trí mới lạ về đêm nhằm phát huy hết tiềm năng của khu du lịch. Kêu gọi đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ sở hiện có đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.

Khu Du lịch Hồ Prenn: Hình thành tổ hợp các mô hình lưu trú, tham quan du lịch kết hợp với hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Kêu gọi đầu tư.

Khu dân cư mới Cam Ly: Hình thành tổ hợp khu dân cư cao cấp, dịch vụ du lịch và hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Kêu gọi đầu tư.

Khu phố đi bộ dọc theo tuyến suối Cam Ly (hạ lưu suối Cam Ly, từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly): Xây dựng tuyến phố đi bộ cảnh quan kết hợp với hoạt động thăm quan, giải trí về đêm dọc theo tuyến suối Cam Ly. Kêu gọi đầu tư.

Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm với định hướng kinh tế đêm phát triển các mô hình mới như casino, dịch vụ vui chơi có thưởng, các loại hình giải trí mới lạ về đêm. Ảnh: CTV

Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt cho biết mục tiêu là hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ vào ban đêm nhằm khai thác, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của địa phương, qua đó góp phần tác động tích cực trong việc thay đổi diện mạo ban đêm của thành phố Đà Lạt, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Phát triển kinh tế ban đêm nhưng đồng thời phải hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực của kinh tế đêm đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Việc phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên thiên, văn hóa người Đà Lạt “Thanh lịch – Hiền hòa – Mến khách”, với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư thành phố Đà Lạt làm cơ sở để quy hoạch thu hút đầu tư các khu dịch vụ tập chung, theo chủ đề, có sự liên kết, giao thoa, có tính trọng điểm và quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí ẩm thực về đêm của nhân dân địa phương và du khách”, dự thảo cho biết.

Bàn về phát triển kinh tế đêm, Tiến sỹ Nguyễn Văn Anh cho biết, trên thế giới, kinh tế ban đêm đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển từ sớm. Tại Anh quốc có hẳn một ngành công nghiệp ban đêm (NTIA - Night Time Industrie as‌sociation) tạo giá trị khoảng 6% GDP cho nước này. Năm 2016, thị trưởng London đã bổ nhiệm bà Amy Lame giữ chức vụ "Night Czar" (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24 giờ hàng đầu thế giới. Hiện, thủ đô London được xem là điểm đến hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm, mang lại hơn 700.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của thành phố. 

Tại nước Mỹ, mà cụ thể là thành phố New York, hoạt động kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại khoảng 12 tỷ USD và tạo ra trên 140.000 việc làm; các quán bar thu về trên 2 tỷ USD; còn các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về khoảng 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống. 

Tại châu Á, Đài Bắc nổi danh từ lâu với hoạt động giải trí về đêm. Điểm sáng làm kinh tế đêm ở “thành phố không ngủ” này là tận dụng nét văn hóa đặc trưng, đầu tư cơ sở hạ tầng tiện lợi và luôn tạo ra những điểm vui chơi độc lạ níu chân cư dân địa phương và du khách. Đài Bắc đã biến chợ đêm, vốn được coi là nét văn hóa đặc trưng của hòn đảo này, trở thành điểm nhấn hút khách du lịch. Những khu chợ đêm luôn đầy ắp các gian hàng buôn bán đủ loại mặt hàng từ quần áo đến đồ gia dụng. Chợ cũng có nhiều gian hàng bán đồ ăn với các món ăn chế biến từ đặc sản địa phương… Theo Liberty Times, bên cạnh ăn uống và mua sắm, Đài Bắc đang mở rộng các hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện, nhà sách 24 giờ, cửa hàng tiện lợi 24/7, rạp chiếu phim và nhiều dịch vụ giải trí khác. 

Tại Việt Nam, thực tế từ khá lâu đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi viện (Thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, thành phố Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng với khu Chợ đêm (Chợ âm phủ), là một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách thập phương khi Đà Lạt về đêm. Chợ đêm Đà Lạt đã giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, Chợ đêm Đà Lạt không những không được đầu tư phát triển mà những nét đặc sắc riêng có trước đây cũng dần bị mai một.

Nói đến những tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt trong phát triển kinh tế ban đêm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là tài nguyên du lịch. Như chúng ta đã biết, hệ sinh thái rừng Lâm Đồng rất đa dạng phong phú trên 600.000 ha, có 2 vườn quốc gia là Bidoup Núi Bà và Cát Tiên; và 1 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang được UNESCO công nhận. Mặt khác, Lâm Đồng hiện đang sở hữu 2 di sản thế giới là: Không gian văn hoá cồng chiêng của các dân tộc bản địa Lâm Đồng thuộc không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Bộ mộc bản triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Khu biệt điện Trần Lệ Xuân - Đà Lạt được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World)…

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 457 khách sạn từ 1 - 5 sao, 36 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác (các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa khảo cổ,…), 51 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó, có 33 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Hàng năm, Lâm Đồng đón trên 7 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng

Ngoài ra, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển, tăng cường tính kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực. Về đường bộ, các tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 27, đường tỉnh ĐT.721, 724, 725, đường vành đai, đường đô thị, huyện, xã và giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư. Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực phối hợp các bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện thủ tục đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương... tạo điều kiện thông suốt trong giao thông. Đồng thời, hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Đường hàng không tiếp tục phát triển, mở mới các đường bay kết nối các tỉnh trong nước và quốc tế.

“Với những tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, Đà Lạt - Lâm Đồng hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Không những thế, Đà Lạt còn có thể xây dựng xứng tầm trở thành một trong những trung tâm kinh tế đêm của cả nước và khu vực trong tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ…” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật