Tạm biệt Sài Gòn, khi “lá phổi” đã gần được chữa lành

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần 30.000 cán bộ nhân viên y tế, tình nguyện viên trên cả nước đã hết mình cho tuyến đầu, nơi tâm dịch ở TP.HCM trong một “trận đánh” được xem là lớn nhất. Họ đến, mang cả trái tim nhiệt huyết của thanh xuân, trách nhiệm nghề nghiệp và hơn hết là nghĩa đồng bào ruột thịt.
Tạm biệt Sài Gòn, khi “lá phổi” đã gần được chữa lành
Ảnh minh họa

Và khi cơn bão dịch bệnh đã lắng xuống, cũng là lúc họ bịn rịn nói lời tạm biệt thành phố này.

Trung tâm hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 của bệnh viện Việt Đức nép mình bên đại lộ Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh (TP.HCM) huyên náo tấp nập xe cộ. Hơn 800 nhân sự được điều động từ miền Bắc vào chi viện.

Bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho biết, ròng rã 2 tháng, dưới cái nắng khốc liệt dội xuống mái tôn, trong bộ đồ PPE, các nhân viên y tế tận tình chăm sóc cho 971 bệnh nhân nặng, trong đó có gần 600 người đã khỏe mạnh trở về với gia đình. 

Bác sĩ Thùy chia sẻ: ’Hình ảnh đau thương đó sẽ đi suốt cuộc đời của các bác sĩ. Số lượng bệnh nhân đã giảm, chúng tôi lên kế hoạch cho đơn vị bạn về trước, chúng tôi thu vén, bàn giao BN cho Đại học Y dược rồi về sau. Mình ra chiến tuyến, đồng sức đồng lòng, động viên nhau để làm sao cứu được nhiều bệnh nhân nhất…’.

Tại khu N4, nơi điều trị cho các bệnh nhân thở máy và thở oxy dòng cao, nhiều giường bệnh đã trống. 

Ca trực của 20 y bác sĩ giờ đây có phần thảnh thơi hơn. Số bệnh nhân nhập viện chỉ 1-2 người trong khi xuất viện từ 20-30 người/ngày. 

Bác sĩ Nguyễn Việt Minh xúc động:  “Ở thời điểm này chỉ cón 14 BN thở máy cảm thấy áp lực công việc giảm đi rất nhiều. Mình rất phấn khởi. Sau 1 tháng xa gia đình, sẽ về cách ly và việc đầu tiên sẽ ôm các con của mình thật chặt” !” 

Lần đầu tiên đến miền đất lạ để tham gia chống dịch, hàng trăm y bác sĩ trẻ mang cả bầu nhiệt huyết. Giây phút chia tay, họ luyến lưu mảnh đất này…

Bác sĩ Nguyễn Thiện Thế chia sẻ: Theo tiếng gọi của Tổ quốc, miền Nam thân yêu, bỏ lại những lo toan của cuộc sống ở Thủ đô. Cảm xúc thực sự mà nói lúc vào đây là một hình ảnh Sài Gòn khác lạ so với tưởng tượng… Trong một đại cục, mỗi cá nhân đóng góp một phần nhỏ… Những điều nhỏ ấy đóng góp vào 20.000-30.000 chiến sĩ đã vào TP.HCM giúp đỡ TP.HCM chống dịch. 

Hôm nay, ông Trịnh Quốc Tuấn được các y bác sĩ đẩy chiếc xe lăn ra tận cổng để chào tạm biệt trong ngày xuất viện. Ông bùi ngùi khi hay tin các bác sĩ sắp hoàn thành nhiệm vụ trở về Hà Nội:

 “Các bác sĩ ở đây rất tận tình, cống hiến 200-300% sức lực của mình. Rất cảm động, tôi cảm ơn tất các Ban giám đốc BV, nhân viên giúp cho người dân TP.HCM, trong đó có tôi khoẻ mạnh trở lại cuộc sống đời thường. Tôi ngàn lần biết ơn”.

Trong những ngày sắp rời Thành phố và thực hiện công tác bàn giao, bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 dành những tình cảm sâu nặng:

“Nếu ví Hà Nội là trái tim, miền Trung là khúc ruột thì Sài Gòn-TP.HCM là lá phổi. Mỗi một cơn ho của Sài Gòn-TP.HCM làm cả c‌ơ th‌ể thắt lại. Chúng tôi cố gắng, cố gắng hết sức làm sao chữa lành lá phổi. Đến hôm nay, những tia nắng đầu tiên xuất hiện rồi…”.

Những tia nắng hy vọng xuất hiện…

Họ cùng nhau hẹn gặp Sài Gòn trong tình cảm vui tươi, để được thấy những bước chân mọi người dạo bộ trên phố Nguyễn Huệ, để thấy một Sài Gòn huyên náo… và để được thấy một Sài Gòn hồi sinh trở lại. /.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật