Đang học bài mà cậu ấm đòi chơi điện tử hoặc xem phim hoạt hình là bà đáp ứng ngay. Thằng con ham chơi lười học, thành thử bà Quýnh luôn phải năng nổ đi “mua điểm” theo cái giá của nhà giàu. Cậu ấm nhờ bà mà trở thành học sinh giỏi, nhưng thực ra kiến thức của cậu là con số 0. Sau này ông Quýnh phát hiện ra điều đó và ông đoạt lại quyền dạy con từ tay vợ.
Ông Quýnh khá tháo vát, luôn tìm tòi và am hiểu thời thế, biết ứng dụng kiến thức vào từng đường đi nước bước trong làm ăn. Đi đâu gặp ai, trị giá của mỗi cuộc chạy chọt ra sao, đều được ông tính toán định lượng như thần. Ông luôn thức thời nhạy bén nhất là ở những tình thế nhạy cảm như đấu thầu, ăn chia, chạy dự án… ông nắm bắt kịp thời đi những bước bài bản làm ăn ngoạn mục. Vì vậy cái công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh đủ thứ của ông phất lên như diều gặp gió lớn. Ông luôn nghĩ, mình được như vậy là do nỗ lực học hành tử tế…
Quay trở lại việc dạy con của ông Quýnh. Ông bảo con: “Nếu học hành không tử tế sau này chẳng làm nên cơm cháo gì đâu!”.
Ông nghĩ ra phương pháp dạy con, gọi đó là “Phương pháp so sánh để liên tưởng”. Để làm bài thực hành cho phương pháp này ông cũng không phải tìm tòi ở mãi đâu, cứ lấy ngay những nhân chứng, vật chứng đang hàng ngày hạn hữu ở nơi nhà ông đang cư trú.
Ông Quýnh đưa con đi dạo phố. Gặp người quét rác, quần áo mặt mày lọ lem, ông chỉ vào người ấy bảo: “Không chịu học hành tử tế sau này chỉ có đi quét rác!”
Gặp một người kéo xe ba gác chở đầy than tổ ong, mồ hôi nhễ nhại, còng lưng kéo xe, ông bảo con: “Học hành không tử tế sau này chỉ có đi kéo xe!”.
Qua ngã tư đường thấy người thợ sửa xe đang nhấp nhổm bơm xe, ông nói: “Học hành không tử tế sau này chỉ có đứng đường bơm xe thôi!”. Khi hai bố con đi qua một dãy hàng cắt tóc, ông lại bảo: “Học hành không tử tế sau này chỉ đến làm anh thợ cạo!”.
Thấy những người hành nghề chạy xe ôm, xe xích lô cởi trần trùng trục, ông chỉ vào họ: “Không học hành tử tế sau này cũng như những người này thôi!”.
Ông đưa con trai vào quán cà phê, có mấy đứa trẻ chạy tới mời ông đánh giầy. Ông giơ chân cho chúng cởi giầy rồi bảo con: “Không học hành tử tế sau này chỉ có mà đi đánh giầy!”...
Tóm lại, gặp bất cứ ngành nghề gì mà những người lao động đang cần mẫn làm việc một phần giúp ích cho đời, một phần kiếm sống cho bản thân họ, đều bị ông Quýnh khép cho cái tội “Không chịu học hành tử tế”. Không biết thằng con trai ông có hiểu được điều đó.
Bẵng đi một thời gian, bỗng một hôm mọi người xôn xao khi biết có phiên tòa xét xử tội làm trái Pháp Luật, bị cáo chính lại là ông Quýnh. Người trong phố kéo đi xem đông. Khi thẩm tòa luận tội: Ông Quýnh trốn thuế, buôn hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian giảo trên thương trường, kiếm chác hàng tỉ đồng của nhà nước… phạm vào điều này, điều nọ của bộ luật Hình Sự…
Nghe vậy những người quét rác, sửa xe, xich lô, xe ôm, cắt tóc… cùng ở khu phố với ông thì thào:
- Các bác ạ, chúng ta phải về dạy dỗ con cái mình, nếu ngay từ bây giờ không chịu học hành làm người tử tế, thì sau này dẫu có làm đến ông nọ, bà kia sớm muộn cũng sẽ sa vào tội lỗi, rồi sẽ bị còng tay, vào nhà đá bóc lịch…
Không biết, đứng trong bục bị cáo ông Quýnh có nghe thấy những tiếng thì thào đó không. Và cũng không biết ông nghĩ gì về phương pháp dạy con của mình.