Gần 15.000 giấy phép lái xe quá hạn xử lý thế nào?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hiện có gần 15.000 giấy phép lái xe (GPLX) bị quá hạn chưa được cấp, đổi lại.
Gần 15.000 giấy phép lái xe quá hạn xử lý thế nào?
Nhiều tài xế lo lắng khi ra đường sẽ bị CSGT kiểm tra, xử phạt vì GPLX quá hạn chưa đi làm thủ tục cấp đổi được (Ảnh minh họa)

Trước lo lắng của hàng vạn tài xế, cơ quan chức năng đã có những động thái gỡ vướng.

Lái xe lo lắng ra đường bị CSGT phạt

Trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tài xế tham gia hoạt động vận tải lo lắng vì GPLX hết hạn theo quy định nhưng vẫn chưa thể thực hiện cấp đổi do đang giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.

Một số người cũng lo lắng, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, liệu có bị xử phạt do bằng lái đã hết hạn.

Anh Nguyễn Trọng Tuấn (một tài xế xe tải ở TP.HCM) cho biết: “Bằng lái của tôi hết hạn nhưng TP.HCM đang giãn cách xã hội và cũng ngại tiếp xúc nơi công cộng nên tôi chưa đi đổi được. Tôi nghĩ hiện nay các cơ quan chức năng cũng không làm việc nên cũng không biết phải làm thế nào, lo bằng lái quá hạn sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt”.

Một tài xế khác chia sẻ, được cấp bằng lái tại TP.HCM nhưng hiện nay đang giãn cách xã hội, bằng lái hết hạn nên phải xuống Bình Dương để đổi. Tuy nhiên, ở Bình Dương không thực hiện được vì phải tới nơi cấp GPLX mới được đổi.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay, nhiều địa phương trên cả nước áp dụng Chỉ thị 16, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, có việc tạm dừng hình thức tiếp nhận hồ sơ trực tiếp đổi GPLX tại các đơn vị tiếp nhận hồ sơ, chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng biết đến hình thức đổi GPLX trực tuyến. Thực tế, ở TP.HCM có nhiều trường hợp GPLX của tài xế đã hết thời hạn sử dụng, không thể thực hiện thủ tục đổi GPLX mới nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu sử dụng GPLX để tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu; hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Sử dụng GPLX đã hết hạn, họ rất lo lắng ra đường sẽ bị CSGT phạt hoặc gặp rắc rối nếu chẳng may xảy ra việc gì trên đường.

Có được giãn thời gian cấp đổi?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, Thông tư 12 của Bộ GTVT quy định rõ các trường hợp quá thời hạn sử dụng GPLX.

Do nhiều địa phương giãn cách xã hội, tài xế của nhiều doanh nghiệp không thể đi đổi nên bị quá hạn GPLX.

“Trong bối cảnh dịch bệnh nên cho phép kéo dài thời gian đối với người có GPLX quá hạn sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, kéo dài từ 12 tháng đến dưới 18 tháng đối với trường hợp quá hạn từ 3 tháng đến 1 năm mới phải thi lại lý thuyết. Kéo dài từ 18 tháng trở lên đối với trường hợp quá hạn 1 năm mới phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành”, ông Quyền đề xuất.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho hay, thời gian qua, việc đăng ký dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng một phần nhu cầu đổi và cấp lại GPLX của người dân. Tuy nhiên, kể từ khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đến nay, vẫn còn 14.700 GPLX quá thời hạn cấp đổi.

Lý giải điều này, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ đã quy định thủ tục đổi GPLX.

Theo đó, người có đủ thành phần hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đến chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX.

Do thực hiện giãn cách xã hội, một số người có nhu cầu đổi GPLX, đã có đủ thành phần hồ sơ theo quy định, nhưng chưa được đổi GPLX vì chưa đến gửi hồ sơ và chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX.

Hoặc đã gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và có thông báo xác nhận hồ sơ đăng ký đổi GPLX hợp lệ (được gửi tự động qua email khi hồ sơ đăng ký dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia được phê duyệt), nhưng chưa đến chụp ảnh trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX (đối với dịch vụ công mức độ 3) hoặc chưa nhận được GPLX (đối với dịch vụ công mức độ 4).

Liên quan đến việc cấp lại GPLX, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Thông tư số 12 cũng quy định, người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX; người có GPLX quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.

“Một số người có đủ điều kiện để được đổi GPLX, nhưng do thực hiện giãn cách xã hội, chưa đến nộp hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp nên phải sát hạch lại lý thuyết hoặc một số người chỉ phải sát hạch lại lý thuyết, nhưng do giãn cách xã hội, chưa đến nộp hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp nên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe”, Tổng cục Đường bộ VN thông tin.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT cho phép Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Cục CSGT (Bộ Công an) chấp thuận để người có GPLX quá hạn, có thông báo xác nhận hồ sơ đăng ký đổi GPLX hợp lệ được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội và sau 10 ngày kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội để phục vụ công tác phòng, chống dịch và vận chuyển hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Tổng cục Đường bộ VN cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép người có GPLX quá hạn sử dụng, có giấy xác nhận đã cư trú tại địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội được phép đổi hoặc sát hạch lại lý thuyết trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội theo quy định tại Thông tư số 12. Ngày hết hạn sử dụng của GPLX làm căn cứ thực hiện thủ tục hành chính đổi, cấp lại được tính bằng ngày hết hạn ghi trên GPLX cộng thêm thời gian giãn cách xã hội của địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật