Bác sĩ chống dịch lương vài triệu đồng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Làm việc liên tục cả ngày trong môi trường áp lực cao, rủi ro lớn, nhưng lương tháng qua của nhiều y bác sĩ vẫn còn thấp.
Bác sĩ chống dịch lương vài triệu đồng
Ảnh minh họa

Câu chuyện "Những thiên thần kiệt sức" đang nhận được nhiều phản hồi của độc giả VnExpress. Suốt hơn hai năm qua, do Covid-19 bùng phát, nhiều bệnh viện hoạt động kém, khiến lương của các y bác sĩ bị sụt giảm, nhiều khoản thưởng bị cắt, thu nhập của hầu hết nhân viên y tế chỉ khoảng 4-5 triệu đồng một tháng, nay còn bị cắt giảm 1/3.

Nhiều người là y bác sĩ đang công tác trong các bệnh viện tuyến đầu, trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, cũng có những chia sẻ về cuộc sống và công việc hiện tại của mình:

Duy

Tôi là một bác sĩ thực tập. Đa phần bác sĩ phục vụ nhân dân với hết cả tâm huyết của mình, bằng chứng là chúng tôi vẫn làm việc đều dù chỉ nhận đồng lương thấp và ít đãi ngộ; học hành khó khăn; công việc áp lực; nguy hiểm thường trực; xa nhà, xa vợ con thường xuyên... Và rồi, chúng tôi nhận lại được những tiếng chửi mắng của người nhà bệnh nhân, những lời nhục mạ khi chúng tôi bất lực trước những căn bệnh vô phương cứu chữa, và hàng tá lời đồn đại rằng "nhà giàu vì nhận nhiều phong bì". Mấy ai thấu hiểu được rằng, chúng tôi đau xót thế nào khi nhận được ánh mắt của những người con mất mẹ, những giọt nước mắt rơi trong phòng cấp cứu...

Các bạn có biết tôi đang làm việc với mức lương bao nhiêu không? Tháng vừa rồi, lương của tôi giảm 25% vì dịch Covid-19. May mắn là cả hai bố mẹ tôi đều khá giả, làm bác sĩ lâu năm, nên hỗ trợ được con cái về mặt tài chính và chuyền được lửa cho tôi. Thế còn những đồng nghiệp không may mắn của tôi thì sao? Họ nhà nghèo, lương thấp, không yêu công việc, chẳng lẽ họ lại phải cứ bám víu mãi vào sự nghiệp như thế suốt đời sao?

Thế nên, tôi chỉ mong các bạn thấu hiểu cho các y bác sĩ. Chúng tôi cũng chỉ là những con người phàm trần, cũng cần ăn, cần mặc. Và nhân đây, tôi chỉ mong muốn các bạn hãy giữ thái độ đúng mực với người làm ngành Y. Thấy bệnh nhân vui vẻ, biết ơn bác sĩ, người nhà cảm thông khi bệnh nhân không qua khỏi... cũng là những động lực vô cùng lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến.

trungluong8683

Chúng tôi, những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, không hề ngại khó, ngại khổ. Nhưng các bạn hãy thử một lần như chúng tôi, tham gia chiến đấu ở những nơi như: khu cách ly, bệnh viện d‌ã chi‌ến... thì mới hiểu được những khó khăn mà chúng tôi đang phải chịu đựng. Chúng tôi làm liên tục mấy tháng liền, thậm chí 24 tiếng một ngày; ăn cơm đựng trong hộp xốp do quán nấu chuyển vào. Chúng tôi ăn uống liên tục như vậy tuần này qua tháng nọ, đến nay cũng đã được hơn hai năm.

Gánh nặng cuộc sống gia đình đè nặng lên vai những người vợ, người chồng, đang ở nhà chăm sóc con cái để chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ. Tôi khẳng định rằng, cán bộ ngành Y chúng tôi không hề ngại khó, ngại khổ, nhưng chế độ đãi ngộ so với các ngành khác lại quá thấp, khiến nhiều người rơi nước mắt.

Không chỉ thu nhập giảm, y bác sĩ còn chịu áp lực vì khối lượng công việc lớn. Lượng người bệnh cần theo dõi rất đông, trong khi số lượng nhân viên y tế lại rất ít, nên công việc của những người này quay cuồng cả ngày: từ tiêm chủng vaccine, đến cách ly F1 tại nhà, theo dõi F0, phát thuốc, khám bệnh, cấp cứu tại nhà, cấp cứu lưu động, chuyển bệnh nhân, số điện thoại hotline reo liên tục...

HHiền

Tôi là một nhân viên y tế làm việc ở một bệnh viện tư nhân tại TP HCM. Đồng nghiệp của tôi cũng rất nhiều người đã xin nghỉ việc. Với đồng lương mỗi tháng 5-6 triệu đồng, trong khi các y bác sĩ hằng ngày phải tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ở nhà, họ vẫn còn có con nhỏ, về nhà thì sợ lây bệnh cho người thân, mà ở lại bệnh viện thì không có chỗ ăn ở, tắm rửa hằng ngày, phải vào nhà vệ sinh lấy vòi xịt bồn cầu để tắm.

Hôm nào đi tham gia tiêm ngừa cộng đồng, chúng tôi sáng uống nước một lần, 12h trưa ăn cơm và uống nước lần hai, chiều 17h uống nước lần ba (vì phải mặc đồ bảo hộ)... Làm việc trong môi trường đủ thứ xót xa, mệt mỏi như vậy, nhưng khi xin bệnh viện phụ cấp thêm thì chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời: "Chế độ chỉ vậy, làm không được thì nghỉ". Xin hỏi mọi người, vậy động lực đâu để chúng tôi tiếp tục làm việc?

"Cả nhà tôi đều thuộc lực lượng tham gia chống dịch, mỗi người một công việc khác nhau. Nhưng anh hai, chị dâu tôi là cực nhất vì phải điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19. Đã vài tháng rồi anh chị chưa về nhà. Anh tôi sau đó cũng bị nhiễm Covid-19, nhưng cũng may đã tiêm hai mũi vaccine nên không bị nặng. Chị dâu tôi đã có tuổi, đang phải chạy chữa để sinh con, chuẩn bị biết bao lâu, đến lúc sắp được cấy phôi lại thì dịch tới, lại phải xông pha chiến đấu tuyền đầu, chưa biết ngày kết thúc", bạn đọcThảo Nguyên chia sẻ.

Bên cạnh áp lực công việc, nhiều nhân viên y tế cũng gặp áp lực từ người dân. dịch bệnh bùng phát, y tế thiếu thốn, nhiều người không hiểu và cảm thông, nhiều người nóng nảy, la hét nhân viên y tế...

Độc giả Banglang chia sẻ: "Con người ai cũng có những lo toan của riêng họ. Người khác có những khó khăn trong cuộc sống thì chúng tôi, những y bác sĩ, cũng có những lo toan cho cá nhân và gia đình mình. Tôi đã có 40 năm trong nghề, nay đã nghỉ, nhưng vẫn rất mong có sự thông cảm của mọi người.

Cho nên tôi mong rằng hệ thống Pháp Luật (quy định ứng xử) sẽ sớm được hoàn thiện, để mọi người giữ được chuẩn mực trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân (người nhà bệnh nhân). Ai làm sai ở đâu sẽ có Pháp Luật xử lý ở đó (nặng, nhẹ tùy mức độ vi phạm). Làm được như vậy, giới bác sĩ chúng tôi cũng dễ dàng hơn trong công việc hàng ngày".

Theo Hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ nhân viên y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19, Bộ Y tế: Mức phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày áp dụng với người đi giám sát, điều tra, truy vết dịch; trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Người vận chuyển bệnh nhân, bệnh phẩm; giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà... được phụ cấp 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, tình nguyện viên được hưởng phụ cấp 120.000 đồng/người/ngày gồm tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Dù bản thân số tiền phụ cấp không cao, nhưng thực tế không phải sơ sở y tế nào cũng chuyển phát kịp thời cho đội ngũ nhân viên y tế, khiến nhiều y bác sĩ rơi vào cảnh bế tắc.

vy573180

Trước dịch, chồng tôi làm việc ở phòng mổ của một bệnh viện tư nhân. Sau đó, bệnh viện chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng nghịch lý là công việc càng thêm vất vả hơn, rủi ro sức khỏe lớn hơn, nhưng bản thân các y bác sĩ lại bị giảm lương chỉ còn một phần ba so với trước dịch. Ban lãnh đạo bệnh viện lấy lý do là dịch bệnh không có ca mổ nên phải nhận thêm bệnh nhân Covid-19, trong khi bệnh viện thu phí dịch vụ rất cao. Tâm lý đi làm việc rủi ro, trong khi lương thấp hơn rất nhiều, mặc đồ bảo hộ ít nhất 8-10 tiếng một ca. Tôi thậm chí đã khuyên chồng nên bỏ việc.

Mới đây, qua khảo sát 60 bệnh viện trị Covid-19, Sở Y tế ghi nhận 5 nơi bị phản ánh "không hài lòng về suất ăn" gồm bệnh viện quận 1, An Bình cùng ba bệnh viện d‌ã chi‌ến số 1, 11, 12. Nguyên nhân các y bác sĩ không hài lòng là suất ăn không hợp khẩu vị, món không phong phú, bị nguội...

Chính mức đãi ngộ khiêm tốn, áp lực lớn, nguy cơ cao, quá tải thể chất lẫn tinh thần đã khiến tinh thần và ý chí chiến đấu của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch bị lung lay dữ dội. Hơn lúc nào hết, các thầy thuốc, nhân viên y tế đang cần được tiếp sức và khích lệ bằng những hành động cụ thể và kịp thời. Bởi họ chính là tiền phương, là nhân tối quyết định trong cuộc chiến trường kỳ với đại dịch Covid-19.

Các nước trên thế giới phân các đối tượng bác sĩ theo ba cấp: chuyên gia cao cấp, chuyên gia và bác sĩ. Với các bác sĩ ở mức chuyên gia cao cấp, chuyên gia, bệnh viện công và tư đều phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt để giữ chân họ gắn bó với bệnh viện. Đối với những bác sĩ mới ra trường chưa có năng lực, kinh nghiệm làm việc thì sẽ quy định 5 năm luân chuyển vị trí công tác để tích lũy kinh nghiệm.

gdhanhchinh

Những lúc như thế này thiết nghĩ ngành Y nên động viên để họ yên tâm, gắn bó với nghề. Hãy áp dụng chính sách đãi ngộ cho các y bác sĩ tốt hơn (trả lương cho họ xứng đáng hơn, hỗ trợ thêm các chế độ làm việc ngoại giờ, phụ cấp độc hại, phụ cấp rủi ro...) để họ thấy mình được ghi nhận, xứng đáng làm nghề. Hãy phân công việc phù hợp, giảm bớt các thủ tục hành chính hoặc các quy định chồng chéo từ trên xuống... để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, gọi điện cho người thân hoặc ăn uống để giữ sức. Hãy dành sự yêu thương, trân trọng và sẻ chia cho các "thiên thần áo trắng".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật