Những chỉ dấu từ cuộc chiến chống Covid-19 ở Israel

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo trang mạng ABC News của Australia, những trải nghiệm trong cuộc chiến chống Covid-19 của Israel có thể cung cấp nhiều bài học bổ ích cho các quốc gia khác.
Những chỉ dấu từ cuộc chiến chống Covid-19 ở Israel
Một thiếu niên được tiêm vaccine Pfizer trong chiến dịch khuyến khích thanh thiếu niên tiêm chủng ở Tel Aviv vào tháng 7. (Nguồn: AFP)

Chỉ vài tháng trước, Israel là hình mẫu thành công của thế giới trong việc tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm cho hầu hết người dân đủ điều kiện tiêm.

Sau khi phần lớn dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, Israel dỡ bỏ hầu như tất cả các hạn chế về phòng chống Covid-19. Cuộc sống ở quốc gia Trung Đông này trở lại gần như bình thường trước khi có dịch bệnh.

Số ca nhiễm hằng ngày gần bằng 0. Các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Người dân được phép tụ tập đông người, không bị đeo khẩu trang khi ra ngoài. Nhiều người háo hức đổ xô đến các bãi biển và nhà hàng.

Nhưng sự lạc quan cho rằng khả năng miễn dịch cộng đồng đã đến không kéo dài.

Đến cuối tháng 6, số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng lên.

Số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức cao nhất từ khi có dịch, 16.011 ca vào ngày 1/9, vượt qua con số cao điểm được ghi nhận vào tháng Giêng (trong đợt dịch thứ hai của đất nước) là vài nghìn.

Tỷ lệ nhập viện và ở phòng điều trị đặc biệt (ICU) cũng đang tăng lên, với gần 1.100 bệnh nhân hiện đang nằm viện và gần 700 người được coi là những ca bệnh nặng.

Israel gần đây ghi nhận số ca nhiễm trên một triệu người trong thời gian bảy ngày cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Vậy tại sao ở một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, các ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng đột biến?

Các quốc gia sắp mở cửa trở lại có thể học được những bài học gì từ những trải nghiệm của Israel?

Delta đến ngay khi "cánh cửa vừa mở"

Israel sớm dẫn đầu thế giới trong cuộc chạy đua tiêm chủng. Tính đến tháng 6, gần 80% công dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine Pfizer.

Các nhà lãnh đạo Israel tự tin rằng họ đã chinh phục được Covid-19 và làm giảm nguy cơ virus này lan rộng.

Các hạn chế di chuyển và quy định bắt buộc đeo khẩu trang được dỡ bỏ.

Kim Mulholland, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Melbourne, thành viên của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: "Họ hoàn toàn mất cảnh giác. Có rất nhiều cuộc tụ họp lớn, các buổi gặp gỡ tôn giáo. Rất nhiều sự kiện đông người diễn ra vào tháng 6, vào giữa mùa Hè".

Việc mở toang cánh cửa, kết hợp với biến thể Delta rất dễ lây lan khiến các ca nhiễm ở Israel tăng dần. Các ca nhiễm xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi đi học và nhanh chóng lây lan sang cha mẹ của chúng.

Chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, Giám đốc viện Doherty Sharon Lewin cho biết, nếu không có bất kỳ biện pháp nào để kiểm soát biến thể Delta, rất khó để ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm, ngay cả khi cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Giáo sư Lewin nhận xét: "Những gì chúng tôi đã học được từ Israel là ngay cả với mức tiêm chủng 80%, bạn cần phải có một số biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng".

Thực tế, dù tỷ lệ tiêm chủng nói chung ở người trưởng thành cao, vẫn có những người dân Israel chưa được tiêm phòng, trong đó có cộng đồng Do Thái cực đoan chính thống.

Hơn nữa, Israel có dân số trẻ. Khoảng 25% dân số Israel dưới 12 tuổi, nghĩa là chỉ 68% dân số được tiêm chủng đầy đủ, một ngưỡng được đánh giá là quá thấp để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt trước biến thể Delta.

Vaccine vẫn là chìa khóa phục hồi

Vào giữa tháng 8, khoảng 60% số người nhập viện do Covid-19 ở Israel đã tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer.

Bộ Y tế Israel đã công bố một báo cáo cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng đã giảm từ mức hơn 90% xuống chỉ còn 64%.

Các nhà nghiên cứu Mỹ khi tìm hiểu dữ liệu của Israel và chia nhỏ theo các nhóm tuổi, nhận thấy vaccine có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng ở những người dưới 50 tuổi và hơn 85% ở những người trên 50 tuổi.

Giáo sư Lewin cho rằng, những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn phải nhập viện cho thấy không có vaccine nào là hoàn hảo.

"Lợi ích của việc tiêm chủng là giúp làm giảm khoảng 90% khả năng nhập viện và t‌ử von‌g, nhưng nó không phải là 100%. Vì vậy, vẫn sẽ có những người phải nhập viện và t‌ử von‌g, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng", Giáo sư Lewin nói.

Tính đến tháng 6, gần 80% công dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine Pfizer. (Nguồn: AFP)

Theo các chuyên gia, dù số ca bệnh Covid-19 của Israel tăng nhưng tỷ lệ t‌ử von‌g giảm. Số người chết do Covid-19 ở Israel trong làn sóng thứ ba này thấp hơn nhiều so với trong đợt dịch thứ hai của đất nước.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Israel lo ngại về hiệu quả của vaccine Covid-19 sẽ suy giảm theo thời gian.

Đa số những người bị bệnh nặng trên 60 tuổi đã được chủng ngừa vaccine Covid-19 ít nhất 5 tháng trước.

Giáo sư Lewin cho biết: “Hầu hết những người cao tuổi ở Israel đã được tiêm vaccine Pfizer, cách nhau 3 tuần, vào tháng 1 và tháng 2. Đó là một yếu tố khác đang diễn ra ở đây. Vấn đề không phải chỉ ở việc bạn đã tiêm phòng hay chưa mà thời gian kể từ khi tiêm mũi cuối cũng rất quan trọng".

Dữ liệu sơ bộ cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 giảm theo thời gian. Với những người Israel được tiêm phòng vào tháng Tư và tháng Năm, có vẻ như có khả năng miễn dịch tốt hơn nhiều so với những người được tiêm phòng vào tháng Giêng.

Bác sĩ Mulholland cho rằng, khả năng miễn dịch của vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian nhưng tác dụng bảo vệ chống lại bệnh nặng sẽ được duy trì lâu hơn, thậm chí một năm.

Hy vọng về mũi tiêm tăng cường

Để hạn chế sự gia tăng của các trường hợp nhiễm Covid-19 mới, Israel áp dụng lại một số hạn chế, bao gồm đưa ra các giới hạn đối với các cuộc tụ tập công cộng và đeo khẩu trang trong một số môi trường nhất định.

Các cơ quan y tế cũng đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm các mũi vaccine tăng cường.

Ban đầu, Israel chỉ tiêm các mũi tăng cường cho những người trên 60 tuổi. Hiện nay, những người trên 12 tuổi tiêm Covid-19 lần thứ hai cách đây hơn năm tháng đều được khuyến khích tiêm mũi thứ ba.

Giáo sư Lewin cho biết, mặc dù các mũi tiêm nhắc lại dường như mang lại lợi ích rõ ràng cho những người trên 60 tuổi và những người bị ức chế miễn dịch, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có cần thiết cho tất cả mọi người hay không.

Vào tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tạm thời hoãn tiêm nhắc lại ở các nước giàu hơn, để dành vaccine cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Cho rằng không phải ai cũng cần mũi tiêm bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người khác trên thế giới chưa nhận được mũi tiêm nào, bà Lewin cho rằng, cần có một cách tiếp cận phù hợp hơn.

Chẳng hạn, mũi tăng cường chỉ nên áp dụng cho những người trên 60 tuổi, hoặc người có số lượng kháng thể thấp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật