Ra tay trước đối thủ
Ngày 26 tháng 9 năm 1137, Lý Thần Tông băng hà. Ngày 1 tháng 10, Lý Thiên Tộ lên ngôi trước linh cữu, lúc đó mới chỉ 1 tuổi, tức là Lý Anh Tông (1138-1175). Cảm Thánh được tôn phong làm Hoàng Thái Hậu.
Việc Lý Thiên Tộ kế vị là bất ngờ lớn cho mẹ con Thiên Lộc và triều thần. Một số quan lại bất phục tùng Lý Anh Tông đã bí mật bàn tính. Mẹ con Thiên Tộ và những người cùng phe cánh cũng không chịu ngồi yên nhìn thế sự xoay vần.
Trực diện đối đầu với mẹ con Lý Anh Tông là không thể bởi dù sao Lý Anh Tông đã lên ngôi và sự lên ngôi này là hợp pháp. Nhưng Lý Anh Tông chưa được nhà Tống công nhận, đó là điều mẹ con Thiên Lộc có thể nắm lấy để chuyển bại thành thắng.
Theo lệ định trong quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Đại Tống, các Hoàng đế nhà Lý mỗi khi lên ngôi đều sai sứ sang nhà Tống báo tin người tiền nhiệm vừa mất và xin Hoàng đế Tống chấp thuận cũng như ban chức tước cho người kế nhiệm. Do đó, mẹ con Thiên Lộc và phe cánh thấy cần thiết phải cử người sang nhà Tống kể rõ chuyện Lý Anh Tông cướp ngôi của Thiên Lộc và xin nhà Tống giành lại ngôi vị cho Thiên Lộc.
Nhưng Cảm Thánh còn nhanh tay hơn. Ngay sau khi Lý Anh Tông lên ngôi, Cảm Thánh phái một đoàn sứ bộ sang nhà Tống (tháng 10 năm 1137). Tháng 3 năm 1138, sứ đoàn nhà Tống sang Đại Việt, mang theo chiếu thư phong Lý Anh Tông làm Giao Chỉ Quận Vương.
Vào thời điểm sứ bộ do Cảm Thánh cử đi đang ở Lâm An (kinh đô nhà Tống) thì sứ giả của mẹ con Thiên Lộc cũng đến. Tiếc rằng những người này đã chậm một bước. Sách “Quế Hải ngu hành chí”của Phạm Thành Đại đời Tống kể rằng: Dư đảng của anh trai Lý Anh Tông chạy sang Trung Hoa tâu bày chuyện Lý Anh Tông cướp ngôi nhưng Tống Cao Tông không nghe và đã bắt giam những người ấy.
Mượn tay người, bảo vệ ngôi vị cho con
Mẹ con Lý Thiên Lộc từ đó đã nằm trong tầm khống chế của Cảm Thánh nhưng không có nghĩa là lực lượng chống đối đã hoàn toàn bị loại trừ. Như trên đã nói, sau khi Lý Anh Tông lên ngôi, một số triều thần đã ngấm ngầm bàn bạc. Họ bàn bạc điều gì? Đó là tiến hành đảo chính, phế bỏ Lý Anh Tông.
Tiếc rằng, danh tính của những người muốn phế lập ấy không được sử sách chép lại. Theo Gia phả họ Lý Tinh Thiện(Hàn Quốc), họ muốn đưa Kiến Hải Vương Lý Dương Côn lên ngôi, vì đây là con nuôi của Hoàng đế Lý Nhân Tông, so về tuổi tác thì không kém Hoàng đế Lý Thần Tông bao xa, nếu xét về vai vế thì Lý Dương Côn là Hoàng Thúc của Lý Thiên Tộ, rất xứng đáng thừa kế ngai vàng.
Tuy vậy, Cảm Thánh không phải là người đơn giản, sau khi Thiên Tộ nối ngôi, bà ta đã bố trí tay chân ở khắp nơi trong triều. Mặc dù phong thanh nghe biết toan tính của những người ủng hộ Kiến Hải Vương, Cảm Thánh vẫn không khỏi lo sợ. Bắt giữ đám quan lại ấy là không thể vì không có bằng chứng cụ thể, vả lại nếu làm thế thì sẽ khiến họ đề phòng, rất khó để sau này Cảm Thánh kiếm cớ loại trừ. Còn nếu đợi đến khi họ cử sự mới ra tay thì sự nguy hiểm đối với mẹ con Cảm Thánh càng tăng lên gấp bội.
Cảm Thánh cân nhắc tính toán và cuối cùng đã lựa chọn giải pháp: biến sự bị động thành chủ động. Theo đó, bề ngoài vờ như không hay biết nhưng thực chất, Cảm Thánh sẽ luôn thu thập thông tin về kế hoạch đảo chính của những kẻ ủng hộ Kiến Hải Vương. Cùng với đó, Cảm Thánh sẽ bí mật chuẩn bị lực lượng, chỉ chờ bọn chúng hành động là ra tay nhổ cỏ tận gốc.
Cảm Thánh dựa vào Đỗ Anh Vũ để bảo vệ ngai vàng cho con trai (Tranh minh họa)
Kế sách đối phó đã có nhưng vấn đề mới lại nảy sinh: Cảm Thánh sẽ dựa vào thế lực nào để giúp dẹp bọn phản loạn? Những người mà Cảm Thánh có thể sử dụng là Nhật Phong, Phụng Thánh, Từ Văn Thông và binh lực châu Chân Đăng của dòng họ Cảm Thánh. Nhưng Nhật Phong, Phụng Thánh và Từ Văn Thông không có thế lực mạnh; còn lực lượng của châu Chân Đăng thì nước xa không cứu được lửa gần.
Trong số những nhân vật quyền lực của triều đình, Cảm Thánh đặc biệt chú ý đến Đỗ Anh Vũ. Đỗ Anh Vũ là một người đặc biệt. Đỗ Anh Vũ lớn hơn Lý Thần Tông một tuổi, thông thạo thi thư lễ nhạc, giỏi võ nghệ, có mưu lược và am tường binh pháp, lại là người trạng mạo đẫy đà, đẹp đẽ, múa khéo và hát hay.
Về thân thế, Đỗ Anh Vũ là họ hàng bên ngoại của Lý Thường Kiệt, nhân vật kiệt xuất thời Lý Nhân Tông. Chị gái của Đỗ Anh Vũ chính là Đỗ Thái Hậu, mẹ chồng của Cảm Thánh. Bản thân Đỗ Anh Vũ còn là con nuôi của Thái Sư Lê Bá Ngọc, vị quan đầu triều thời Lý Thần Tông. Chưa hết, Đỗ Anh Vũ còn đang giữ chức Thái Úy, một tay nắm binh quyền cả nước.
Với thân thế và vị thế hiện có, Đỗ Anh Vũ nghiễm nhiên là đại thần đầy uy vọng. Cảm Thánh có con mắt rất tinh tường, đã mau mắn nhận ra điều đó và đã tìm đủ mọi cách lôi kéo hòng biến Đỗ Anh Vũ thành người của mình. Lấy danh nghĩa Hoàng đế, Cảm Thánh đã thăng Đỗ Anh Vũ làm Kiểm Hiệu Thái Phó (cao hơn Thái Úy và thấp hơn Thái Sư một bậc) rồi lại phong thêm chức Phụ Quốc Thái Úy (tháng 9 năm 1138).
Với hai địa vị nói trên, quyền lực của Đỗ Anh Vũ đã bao trùm cả hai mặt quân sự và dân sự, là người ở dưới một người mà trên hàng vạn người. Kể từ đó, Đỗ Anh Vũ toàn tâm đứng về phía Cảm Thánh và cùng Cảm Thánh chuẩn bị mọi thứ, chờ đợi đám người phản nghịch rơi vào cài bẫy được giăng sẵn.
Đến ngày hành động, đám người ủng hộ Kiến Hải Vương dẫn binh vào Hoàng Thành, đòi lật đổ Lý Anh Tông. Cảm Thánh và Đỗ Anh Vũ chỉ chờ có thế, liền điều động quân sĩ đến đàn áp. Những người chủ mưu bị bắt giữ và bị hành hình. Âm mưu đảo chính bị dập tắt hoàn toàn.
Trừ kẻ ngoài biên ải ngấp nghé ngôi báu
Dẹp xong mối họa trong kinh thành, chưa kịp vui mừng thì Cảm Thánh nhận hung tin, nơi biên ải có kẻ đang dòm ngó ngôi báu của con trai bà. Kẻ đó tên Thân Lợi, vốn là thầy bói, vì giỏi dùng lời mê hoặc người nên đã tụ tập được quanh hắn một đám thủ hạ khá đông. Nghe biết nội bộ triều Lý đang bất ổn, Thân Lợi đã đem bộ thuộc chiếm cứ châu Thượng Nguyên (nay là Thái Nguyên), tự xưng Bình Hoàng đế.
Thân Lợi có dã tâm rất lớn. Hắn mạo nhận là con trai của Lý Nhân Tông (bác của Lý Thần Tông) và cử người sang tận nhà Tống, bịa đặt câu chuyện mẹ con hắn bị Lý Nhân Tông ruồng bỏ, giờ đây trong nước có loạn nên muốn xin nhà Tống giúp đỡ hắn lên ngôi. Rất may là Tống Cao Tông không nghe theo lời lừa phỉnh của hắn.
Việc Thân Lợi xưng đế và tự nhận là Hoàng tử nhà Lý có sức lôi cuốn nhất định đối với nhân dân vùng biên giới. Lực lượng của Thân Lợi ngày càng lớn và trên đà chiến thắng, Thân Lợi đang hô hào tiến chiếm Thăng Long.
Tình thế đó khiến Cảm Thánh ăn ngủ không yên, cuối cùng phải nhờ đến Đỗ Anh Vũ đích thân cầm quân ra trận. Tháng 10 năm 1140, nghĩa là sau một năm Thân Lợi nổi dậy, Đỗ Anh Vũ dẫn đại quân đánh một trận quyết định với Thân Lợi trước cửa ngõ phía bắc Thăng Long. Quân Thân Lợi đại bại. Thân Lợi phải chạy trốn ở nhiều nơi và đến cuối năm đó thì bị bắt rồi bị đưa về Thăng Long xử tử.
Loạn Thân Lợi được dẹp, từ đây không còn thế lực nào có thể đe dọa mẹ con Cảm Thánh nữa. Cảm Thánh rất mực tin tưởng Đỗ Anh Vũ, đã để Đỗ Anh Vũ phụ chính cho Lý Anh Tông. Cảm Thánh lui về hậu cung, vừa lòng mãn ý với đại quyền đạt được và ung dung tận hưởng cuộc sống thiên đường chốn trần gian...