Người mẹ Cần Thơ cùng con tìm đường sống

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai tuần một lần, cứ trước ngày đưa con trai lên Sài Gòn truyền hó‌a chấ‌t chị Vân lại chạy quanh xóm để vay mượn chút tiền làm lộ phí.
Người mẹ Cần Thơ cùng con tìm đường sống
Chiều ngày 28/7, chị Vân đến cầu cứu phòng công tác xã hội bệnh viện Ung bướu TP HCM để nhờ giúp đỡ vì không xoay sở được tiền viện phí. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chiều cuối tháng 7, vợ chồng chị Phạm Thị Yến Vân mừng rỡ khi biết tin có xe cứu thương từ thiện nhận lời chở chị và con trai từ Cần Thơ lên TP HCM truyền hó‌a chấ‌t. Hơn 10 ngày Cần Thơ giãn cách theo chỉ thị 16 là từng ấy thời gian cậu con trai út trễ hẹn "vào thuốc", lòng người mẹ như thiêu đốt. Thấy con ăn ít, nằm li bì, chị Vân sốt ruột nhưng chẳng biết cách nào đưa con đi.

Xe đến đón vào buổi tối nên suốt buổi chiều vợ chồng người phụ nữ 46 tuổi đội mưa chở nhau đến gõ cửa từng nhà người quen mượn tiền. Gần một năm nay, cứ nửa tháng chị Vân lại cùng con vượt hơn 200 km lên Sài Gòn chữa trị. Kinh tế gia đình đã khánh kiệt. Bà con làng xóm cũng không thể giúp đỡ mãi, hôm nay vợ chồng chị chỉ được một người em bên chồng cho vài trăm nghìn dằn túi.

"Tôi sợ tình hình dịch bệnh căng thẳng mà không đưa con lên Sài Gòn được, lỡ bệnh tình của cháu trở nặng thì công sức một năm qua đổ sông đổ bể", người phụ nữ ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ chia sẻ.

Từ ngày lấy nhau, tài sản giá trị nhất của vợ chồng chị Vân là vài sào ruộng được người cha cho làm vốn. Để gồng gánh nuôi ba đứa con, hai người đi làm thuê đủ thứ việc, ai kêu gì làm nấy. Nhưng gần 20 năm trước, khi đứa con trai đầu phải phải ngồi xe lăn vì một cơn sốt bại liệt lúc 2 tuổi, chị Vân ở nhà hẳn để chăm con.

Nhà nghèo nên cậu con trai thứ hai cũng nghỉ học sớm, ở nhà phụ cha mẹ làm đồng, chăm anh trai. Mọi hy vọng về một tương lai sáng sủa của gia đình trông vào Đào Văn Quý, cậu con trai út vừa vào lớp 6. Một ngày, Quý đi học về, quẳng balo sang một bên rồi bảo với mẹ trên vai có cục u làm nó đau. Bà mẹ chẳng để tâm nhiều vì nghĩ con đụng phải thứ gì nên sưng tấy, chắc chỉ hôm sau là đỡ. Nhưng suốt mấy ngày liền, hôm nào Quý đi học về cũng than đau, khối u thì mỗi ngày một to ra khiến người mẹ lo lắng. Ba hôm sau, chị Vân kêu chồng nghỉ làm, hai người chở con lên bệnh viện thành phố Cần Thơ kiểm tra.

Ban đầu bác sĩ khám cho Quý chỉ nói chỉ là u lành nhưng sau đó thì cho mổ để lấy dịch bên trong đi sinh thiết. Nhận kết quả con trai bị ung thư xương vai, người mẹ lặng đi, hỏi bác sĩ một câu trong vô thức "bệnh này chữa được không bác sĩ?", rồi mắt chị nhòe đi, khóc nức nở.

Được bác sĩ trấn an rằng "bệnh này chữa được", chị Vân gạt nước mắt đưa con về nhưng đầu "quay mòng mòng" với suy nghĩ xoay sở tiền đâu để chữa cho con.

Có điều, người mẹ lúc đó chưa biết rằng, con đường chữa trị không chỉ cần tiền mà còn cần cả sự kiên trì bởi bệnh của thằng Quý không điều trị được ở Cần Thơ mà phải chuyển lên bệnh viện Ung Bướu ở Sài Gòn.

Lần đầu đưa con trai lên thành phố, chuyến xe đò đi trong đêm khiến giấc ngủ của hai mẹ con chập chờn. Những xét nghiệm, rồi những chai thuốc bắt đầu truyền vào c‌ơ th‌ể cậu con trai vốn đã gầy rộc khiến Quý lả đi trên giường bệnh. Hôm đó, Quý không ăn nổi một miếng cháo, chị Vân cũng chẳng nuốt trôi mà nhịn đói nguyên ngày.

Hôm sau, chị Vân ra tiệm mua hộp cơm chọn nhiều món ngon cho con nhưng hỏi ra mới biết những 35 nghìn một hộp. Thấy cơm đắt nên chị Vân bấm bụng chỉ mua thêm 5 nghìn cơm không để ăn lấy sức. Kể với những phụ huynh khác cũng nuôi con bệnh, chị Vân được họ chỉ chỗ đi lấy cơm, cháo từ thiện.

Người mẹ quanh năm chỉ ở nhà chẳng bao giờ rời khỏi cái ấp nhỏ để đi xa nay có thêm nhiều người bạn đồng hành từ mọi người. Trong chiếc điện thoại "cục gạch" của mình, số điện thoại của mạnh thường quân hay cho cơm cũng được chị lưu lại. Những lúc bác sĩ yêu cầu mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm mà không có tiền, chị cũng biết tìm đường đến phòng công tác xã hội để nhờ giúp đỡ. "Con còn nhỏ và đường còn dài, tôi chẳng biết làm gì nữa ngoài việc cứ cố gắng", chị Vân nói.

Lên Sài Gòn trong những ngày này, chị Vân cảm nhận rõ sự yên ắng của thành phố trong những ngày giãn cách. Lần này không mang theo nhiều tiền, mối lo canh cánh trong lòng chị là sẽ phải tốn tiền mua cơm trong bệnh viện vì chẳng còn đoàn từ thiện nào đến. Bù lại, chị cảm thấy an ủi hơn rất nhiều vì biết con sẽ được truyền thuốc.

"Nhiều phụ huynh bảo tôi rằng, điều trị bệnh này mà còn thấy nhau ở bệnh viện là con còn cơ hội sống. Vì thế, còn được cùng con lên Sài Gòn là tôi thấy còn nhiều hy vọng lắm. Tôi sẽ không bỏ cuộc", chị Vân nói, dù chị không còn nhớ, mình đang giữ bao nhiêu tờ giấy ghi nợ trong người nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật