Hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế: Siêu thị xanh và chợ truyền thống

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP.HCM trong những ngày giãn cách cũng là dịp nhìn thấy còn vắng khuyết trong hệ thống siêu thị hàng tiêu dùng gia đình và thực phẩm xanh hữu cơ do chính địa phương cung cấp.
Hiến kế TP.HCM nâng tầm quốc tế: Siêu thị xanh và chợ truyền thống
Một phiên chợ quê giữa lòng Sài Gòn được tổ chức vào cuối mỗi tuần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo tôi, dân cư đô thị cần có nhiều siêu thị nhỏ và vừa tại chính nơi mình cư trú thường ngày để phục vụ đời sống thuận lợi cũng như sự cân đối cho lực lượng việc làm mới tại đây với các nhà cung cấp mới, các nhân viên phục vụ.

Hệ thống siêu thị xanh

Hệ thống siêu thị xanh là tại mỗi khu dân cư của mỗi phường xã có ít nhất 1 - 3 siêu thị khác nhau dựa trên tiêu chí hàng địa phương và chất lượng cao. 

Các nhà cung ứng phải đảm bảo các yếu tố sạch từ lúc sản xuất cho đến lúc thu hoạch và bảo quản. 

Liên kết với các nhà sản xuất địa phương cũng như các trang trại, vườn nhà của người dân, hệ thống thu hoạch đúng mùa, chất lượng, vận chuyển đảm bảo an toàn đến khâu cuối cùng.... 

Đây chính là cơ hội cho các nhà sản xuất và cung ứng mới mang tên thương hiệu Việt phục vụ chính người Việt, lực lượng lao động ngay tại địa phương phục vụ chính công dân tại thành phố.

Trong đại dịch COVID-19, phải chấp nhận rằng siêu thị sẽ là một trong những nơi cung ứng an toàn. Khi đó, mỗi siêu thị cần khép kín chuỗi cung ứng bao gồm từ khu bảo quản đông lạnh, hệ thống sơ chế thịt tươi, cá tươi, hải sản rau tươi... cho đến nơi đậu xe. 

Nơi đậu xe nên có cả chỗ sạc điện cho ai sử dụng xe điện. Siêu thị không nên sử dụng túi nilông, hạn chế các bao bì từ nhựa không cần thiết. 

Khi có siêu thị, mọi người sẽ thêm nhiều thói quen mới về thực phẩm an toàn cũng như làm quen với việc mua sắm online, giảm lưu lượng giao tiếp, giao thông hằng ngày. 

Khi siêu thị đủ đáp ứng nhu cầu dân sinh, trong siêu thị có hàng thực phẩm tươi sống phục vụ hằng ngày đảm bảo như chợ ngoài trời, tôi tin rằng dân cư cũng thay đổi thói quen tiêu dùng ví như việc làm quen dùng thẻ tín dụng an toàn thay vì tiền giấy...

Duy trì chợ truyền thống

Cùng với hệ thống siêu thị xanh là duy trì chợ truyền thống di động cuối tuần. Những chợ truyền thống này, khi cuộc sống trở lại bình thường, sẽ là nơi bán đồ thủ công, cây cối vườn ươm cùng với sản phẩm hữu cơ sạch... 

Mỗi quận cần một chợ truyền thống ở trung tâm, quận nào lớn thì nhiều hơn. Chợ phải đăng ký để đảm bảo an toàn, sạch và chất lượng. 

Chợ truyền thống cần tập trung vào những sản phẩm độc đáo cũng như các món ăn đặc trưng nhất chứ không nên tạp nham; ít nhất có hàng bán cây rau xanh, món ăn nhanh truyền thống hay các món ăn nguội theo kiểu TP.HCM, các cửa hàng đồ cũ, đồng thời đặt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn và chất lượng như hệ thống siêu thị xanh.

Với hệ thống song song siêu thị xanh hiện đại và chợ truyền thống, người dân sẽ hài lòng vì kết hợp được lối sống đô thị mới cùng văn hóa lịch sử gắn bó lâu đời. 

Nhờ thế mà không mất đi nét giao tiếp gần gũi địa phương từ những đặc sản rất riêng. Đó cũng là cách để giữ gìn di sản từ những nét văn hóa cơ sở.

Để làm tốt, sẽ phải giải quyết công việc mới cho những người buôn bán nhỏ từ nhiều chợ truyền thống, chợ tự phát từ trước. 

Ví dụ chợ A ở quận 1 không còn duy trì nữa thì phải biết được số lượng người buôn bán cũ để tính các công việc mới phù hợp cho họ. Nên làm những nghiên cứu thực chất để tìm giải pháp. 

Đây là việc không dễ, nhưng nếu không làm thì không biết bao giờ mọi thứ mới ngăn nắp để đạt được tiêu chí của một thành phố mang tầm quốc tế. Quốc tế chính là chất lượng sống của người dân ở mọi tầng lớp đều bình đẳng, đều được quan tâm như nhau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật