Bắc Ninh quyết dập ổ dịch Thuận Thành trong hai tuần tới

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổ công tác của Bộ Y tế cho biết, nếu sàng lọc quyết liệt, trong 7 ngày tới huyện Thuận Thành sẽ giảm tối đa ca nhiễm, trong 14 ngày không còn bệnh nhân Covid-19 mới.
Bắc Ninh quyết dập ổ dịch Thuận Thành trong hai tuần tới
Người dân huyện Thuận Thành xếp hành chờ xét nghiệm. Ảnh: CTV

Chiều 4/6, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết đang đẩy nhanh tiến độ truy vết ca nhiễm trong cộng đồng; xét nghiệm tầm soát công nhân, người dân khu công nghiệp.

Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, cho biết tỉnh có 752 ca Covid-19 đang được điều trị, "cơ bản số bệnh nhân trong tầm kiểm soát"; 188 người âm tính lần một. Tỉnh đã thống nhất với đoàn công tác của Bộ Y tế về các biện pháp dập ổ dịch Thuận Thành nhanh nhất.

Chính quyền đã xét nghiệm tầm soát ở thành phố Bắc Ninh là khu vực có nguy cơ cao, ba ngày qua số ca nhiễm liên tục tăng. 14 trong 19 phường của thành phố phát sinh ổ dịch, với hơn 250 ca nhiễm.

Phó thủ tướng nhắc nhở tỉnh tập trung quyết liệt dập ổ dịch ở Thuận Thành nhanh nhất. Địa điểm nào đã khoanh vùng cách ly y tế thì kiểm soát nghiêm ngặt, giãn cách triệt để, không để "ngoài chặt, trong lỏng", dẫn đến lây nhiễm chéo. "Nơi nào nguy cơ cao phải tập trung lực lượng xử lý dứt điểm, tránh dây dưa", ông Đam yêu cầu.

Ổ dịch huyện Thuận Thành bùng phát từ đầu tháng 5, liên quan đến bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Từ 9/5, Bắc Ninh đã cách ly xã hội toàn huyện này theo chỉ thị 16, với nguyên tắc "cách ly gia đình với gia đình; thôn, khu phố với thôn, khu phố; xã, thị trấn với xã, thị trấn".

Với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại theo hình thức công nhân ăn ở tại nhà máy, Bắc Ninh cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong hai tuần để tách các ca nghi ngờ.

Tỉnh đã thí điểm nhân viên y tế tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhưng lãnh đạo Sở Y tế lo ngại công nhân không có kỹ năng lấy mẫu chính xác, có người không trung thực. Đáp lại, Phó thủ tướng cho rằng cần tập huấn cho công nhân và bố trí nhân viên tế giám sát.

Về tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết các ca nhiễm mới những ngày gần đây chủ yếu trong 20 khu cách ly, phong tỏa. Toàn tỉnh hiện có 200 khu cách ly. Đến nay, 153 người khỏi bệnh. Việc tiêm chủng cho công nhân hoàn thành sớm hơn một ngày (trước đây dự kiến một tuần).

Thời gian tới, địa phương tiếp tục ghi nhận F0 mới trong khu cách ly. "Tình hình đúng như dự báo của tỉnh Bắc Giang khi tâm dịch co hẹp tại những điểm nóng cách ly, phong toả trước đây. Tỉnh sẽ tiếp tục giảm mật độ trong các khu vực cách ly, ngăn chặn lây nhiễm chéo", ông Mai Sơn nói.

Bắc Giang đang lên kế hoạch giảm mật độ công nhân và người dân tại tâm dịch là thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) để làm sạch "điểm nóng" này. Ông Sơn đề nghị trung ương phân bổ thêm vaccine để tiêm cho công nhân các khu công nghiệp.

Phó thủ tướng lưu ý sau khi giảm mật độ, tỉnh Bắc Giang cần nhanh chóng làm khử khuẩn tại thôn Núi Hiểu, đưa người dân trở lại trong vòng một tuần.

Ông đề nghị hai tỉnh lấy mẫu ngẫu nhiên ở khu vực nguy cơ, kết hợp với khai báo y tế, thiết lập tổng đài tự động chăm sóc sức khỏe người dân. Tinh thần là lựa chọn khu vực lấy mẫu tiết kiệm, hiệu quả.

Ông nhấn mạnh, giải pháp bố trí công nhân ăn nghỉ bên trong nhà máy chỉ mang tính tạm thời, sau đó địa phương, doanh nghiệp phải sắp xếp lại chỗ ở của công nhân gắn với ca kíp sản xuất, bảo đảm an toàn.

PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang khi phong toả một huyện phải chọn những xã có nguy cơ cao để tập trung xét nghiệm, không xét nghiệm toàn huyện.

"xét nghiệm trong cộng đồng nhằm đánh giá nguy cơ, khác với xét nghiệm trong doanh nghiệp là xác định những người âm tính cho đi làm", ông Phu phân tích.

Từ 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 5.175 ca nhiễm Covid-19, ở 37 tỉnh, thành. Bắc Giang có số ca nhiễm cao nhất cả nước với 2.819 ca; Bắc Ninh thứ hai với 998 ca.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật