Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (JGSDF) của nước này sẽ tham gia các cuộc tập trận chung với Thủy quân lục chiến Mỹ và quân đội Pháp ở Tây Nam Nhật Bản từ ngày 11-17/5.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các cuộc tập trận chung sẽ được tổ chức tại khu huấn luyện Kirishima và căn cứ Camp Ainour của GSDF ở vùng Kyushu, trong đó có các cuộc diễn tập đổ bộ.
Theo JGSDF, đây sẽ là cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên ở Nhật Bản với sự tham gia của quân đội 3 nước trên đất liền. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác khác, ngoài đồng minh với Mỹ. Mục đích tăng cường khả năng ứng phó với sự hiếu chiến ngày càng tăng của Bắc Kinh ở vùng biển Hoa Đông.
“Pháp chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bằng cách tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Pháp, chúng tôi muốn cải thiện hơn nữa về chiến thuật và kỹ năng của Lực lượng phòng vệ trong việc bảo vệ các vùng lãnh hải”, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho hay.
Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế bao quanh các lãnh thổ hải ngoại của nước này ở khu vực, trong đó có đảo Reunion ở Ấn Độ Dương và Polynesia ở Nam Thái Bình Dương..
Thông tin tập trận quy mô lớn giữa Nhật Bản, Pháp và Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tokyo tăng cường hợp tác với đồng minh để đối phó với các mối đe doạ từ Trung Quốc. Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tuyên bố sẽ cùng phối hợp đối phó với Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực công nghệ.
Từ lâu, Nhật Bản cho biết, nước này lo ngại sức mạnh quân sự và đe dọa lãnh thổ của Trung Quốc, nhất là các hoạt động của Bắc Kinh tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thời gian vừa qua, nhiều nước châu Âu ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với tiềm năng quân sự, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác quốc phòng, Pháp bước đầu đã đưa ra những chính sách đối với khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này, khi liên tục điều tàu chiến đến khu vực.
Ngoài Pháp, các cường quốc châu Âu khác như Anh và Đức cũng được cho là sẽ triển khai tàu chiến tới khu vực, thách thức các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc. Sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc châu Âu vào địa chính trị khu vực phù hợp với các ưu tiên chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden nhấn mạnh cam kết "làm việc với các đồng minh và đối tác" dựa trên "các quy tắc, luật lệ quốc tế".