Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo mô hình gia trại, trang trại là một trong những xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay. Với tiềm năng, lợi thế, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, trọng điểm, góp phần nâng cao tỷ trọng, gia tăng giá trị cho ngành chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững
Chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn tại Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả). Ảnh: Mạnh Trường

Để phát triển chăn nuôi tập trung, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4206/QĐ-UBND (ngày 15/12/2016) "Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Kết quả, đến hết năm 2020, vùng chăn nuôi lợn Móng Cái (TP Móng Cái) là 32ha, đạt 32% so với quy hoạch; vùng chăn nuôi gà bản địa, gà Tiên Yên (huyện Tiên Yên) đạt 850.000 con, đạt 100% so với quy hoạch; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên 1.390ha, đạt 39,4% so với quy hoạch.

Toàn tỉnh hiện có 483 trang trại các loại, trong đó có 239 trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp đã áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng nhanh số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xem Video: Phát triển chăn nuôi ở Giao Thiện đang phát huy những lợi thế sẵn có

//

Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) là một trong những đơn vị xác định chăn nuôi tập trung ngay từ những ngày đầu thành lập, nuôi giữ giống gốc của trung ương với số lượng khoảng 150 con. Công ty hiện có quy mô 3.500 con lợn nái, hằng năm cung cấp trên 4.200 con lợn nái bố mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty đang mở rộng với quy mô trại giống hạt nhân 750 con lợn nái; khu chăn nuôi lợn công nghệ cao 5.000 con lợn nái, 30.000 con lợn thương phẩm. Đơn vị còn phát triển khu chăn nuôi gia cầm, khu chăn nuôi bò và nhà máy sản xuất thức ăn công suất 200-250 tấn/ngày.

Mô hình chăn nuôi gà tập trung tại HTX Tuyền Huyền (huyện Đầm Hà).

Không chỉ sản xuất tập trung, để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành chăn nuôi còn định hướng phát triển giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ các đối tượng vật nuôi bản địa, như gà Tiên Yên, lợn Móng Cái nuôi giữ giống gốc, phát triển đàn giống hậu bị. Toàn tỉnh hiện có khoảng 16.500 con lợn nái Móng Cái, mỗi năm sản xuất được khoảng 330.000 con giống lợn lai F1 để nuôi thương phẩm; trên 420.000 con gà Tiên Yên. Huyện Tiên Yên đã triển khai ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gà này, cơ bản đảm bảo chất lượng, làm tốt công tác phòng dịch, nâng cao năng suất, chất lượng con giống, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển đàn gà Tiên Yên.

Việc đẩy mạnh chăn nuôi tập trung đã góp phần nâng tổng số đàn gia súc, gia cầm của tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Hiện đàn trâu của tỉnh có trên 36.800 con, đàn bò trên 31.600 con, đàn lợn trên 269.500 con, đàn gia cầm trên 3,8 triệu con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi từ 4.214 tỷ đồng năm 2017 đã tăng lên 4.683 tỷ đồng năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 55,4% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã phát triển hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gắn với chế biến sản phẩm. Theo quy hoạch của tỉnh, danh mục mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm gồm 24 địa điểm. Tuy nhiên đến nay mới xây dựng, nâng cấp và đi vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ, quy mô công suất 200-250 con/ngày, đạt tỷ lệ 25% so với quy hoạch.

Chăn nuôi lợn sinh sản Móng Cái tại Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh.

Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu phát triển quy mô đối tượng vật nuôi, vùng chăn nuôi tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực. Trong đó, phấn đấu đàn trâu đạt trên 28.300 con, đàn bò đạt trên 43.000 con; đàn lợn đạt gần 390.000 con; xây dựng 6 vùng chăn nuôi tập trung với hạ tầng đồng bộ thu hút khoảng 200 tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, mỗi địa phương có 1-2 cơ sở, giảm 80% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đảm bảo 90% số gia súc, gia cầm được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, chăn nuôi tập trung phải gắn với phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, Sở sẽ tích cực triển khai thực thi Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; hỗ trợ liên kết, khuyến khích sản xuất chăn nuôi hữu cơ. Cùng với đó, kiểm soát phòng chống dịch bệnh và quản lý chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Sở cũng sẽ chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời, loại bỏ những cơ sở chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, không phù hợp với quy hoạch; cương quyết xử lý vi phạm đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật