Người nông dân tiên phong trồng nho nơi đất Bắc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với năng suất 5-7 tạ/sào, mỗi năm ông Ba (Lạng Sơn) thu hoạch từ 12-14 tấn nho; giá bán tại vườn cho khách du lịch là 150.000 đồng/kg.
Người nông dân tiên phong trồng nho nơi đất Bắc
Ông Ba với vườn nho 3 năm tuổi.

Xem Video: Khởi nghiệp trồng nho ở xứ Dừa

Những gốc nho đầu tiên được gieo ở xứ Lạng

Tháng sáu, Bắc Bộ bắt đầu chào hè bằng những cơn mưa rào tầm tã. Con đường đất vào vườn nho nhà ông Ba (Lạng Sơn) vốn đã chật hẹp, nay bị mưa nên càng sình lầy, rất khó khăn mới có thể di chuyển. Ngay cổng trang trại của ông Ba là ô tô và xe máy đậu kín lối đi. Ông Ba giải thích: "Đó là xe của khách đến mua nho. Mấy hôm nay mưa nhiều, lại vào giữa tuần nên chưa đông lắm, chứ cuối tuần không khi nào ngớt khách, ăn bữa sáng cũng chính là bữa trưa luôn".

Ông Ba tên đầy đủ là Hoàng Văn Ba, 55 tuổi, sống tại Mai Pha, thành phố Lạng Sơn – người đầu tiên trồng những gốc nho ở miền Bắc. Năm 2009, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đưa hai giống nho Cự phong và Tảo hồng đến cho bà con nơi đây trồng thử nghiệm. Ông Ba là một trong ba hộ dân Mai Pha tiếp nhận hai giống nho trên.

Là người có đam mê với trồng trọt, ông Ba nghĩ rằng làm nông nghiệp chẳng bao giờ chết đói, vì còn người là còn ăn, nên thời điểm đó tìm được một giống cây trồng mới, lại được sở Khoa học - Công nghệ Lạng Sơn hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo ông Ba như mở cờ trong bụng.

Ông bắt đầu cắp sách vở chạy theo các chuyên gia nông nghiệp để học cách trồng nho. Từ một người không có bất cứ kiến thức nào về cái thứ cây "loằng ngoằng như sợi dây thừng buộc mũi trâu kia", sau 3 năm ăn, ngủ cùng chuyên gia, ông Ba bắt đầu vun đắp những cây nho đầu tiên giữa núi rừng xứ Lạng.

Năm 2013, những quả nho bói bắt đầu chín mọng, phủ phấn trắng xoá như vôi, ăn thử thấy ngọt, thơm, niềm hạnh phúc của ông Ba như vỡ oà. "Lâu nay chúng ta vẫn biết miền Bắc trồng nho rất khó vì độ ẩm cao. Nho là cây ưa nắng, nếu mưa và ẩm quá cao sẽ bị úng rễ, sâu bệnh và chết dần dần. Bởi vậy, sự thành công này đã khẳng định Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc có thể trồng được nho", ông Ba cho hay.

Điều bất ngờ là nho sai trĩu quả ngay từ lần đầu trồng thử nghiệm. Thấy cây nho có tiềm năng ở đất này, ông Ba mạnh dạn phá bớt ruộng dưa vàng, dưa đỏ để mở rộng thêm diện tích trồng nho. Cứ lấy lãi của năm này đầu tư cho năm sau, đến nay diện tích trồng nho của gia đình ông đã lên đến hơn 2 mẫu. Với năng suất từ 5 – 7 tạ/sào, mỗi năm ông Ba thu hoạch từ 12 – 14 tấn nho. Giá bán tại vườn cho khách du lịch là 150.000 đồng/kg, cuối vụ ông nắm trong tay cả tỷ đồng.

Nho được bón từ phân hữu cơ, trung bình mỗi cây nho cho ra 5- 6kg quả.

Hiện nay đầu ra cho nho không khiến ông Ba quá lo lắng. Từ lúc nho chín nhà ông Ba chẳng khi nào ngớt người. Ngày mưa thì 100 – 200 khách, ngày nắng 500 – 700 khách, và chỉ sau một tuần thì vườn nho nhẵn quả. Khách được tận tay cắt những chùm nho sai lúc lỉu, chụp ảnh, livestream thoả thích. Nhiều khách của ông Ba chia sẻ, chưa thấy nho nơi đâu thơm như nho Mai Pha, vị ngọt rất riêng, đặc biệt lại không hạt nên đã là khách quen thì không năm nào vắng mặt.

"Chăm nho không khác gì chăm con mọn"

Hai giống nho Cự phong và Tảo hồng đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của khí hậu và đánh dấu bước ngoặt lớn cho nông nghiệp Lạng Sơn, nhưng không đồng nghĩa với việc duy trì hai giống nho này là điều đơn giản.

Nho trước thu hoạch được cắt tỉa cẩn thận.

Khi biết nho có thể trồng được ở đất Mai Pha, hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con đã tìm đến ông Ba xin được học hỏi. Ông Ba không ngại ngần chia sẻ những kinh nghiệm xương máu của mình, bất cứ ai có ý định trồng nho đều được ông động viên và hướng dẫn cách chăm sóc. Thời điểm đó, nhiều hộ dân ở Mai Pha phá dưa trồng nho, nhưng chỉ được một vài năm đầu, về sau thấy khó quá dần dà dân bỏ cuộc hết.

Ông Ba nói rằng, trồng nho đã khó, trồng nho ở đất Bắc mà cho sai quả còn khó hơn nhiều lần. Cách duy nhất để tồn tại là phải kiên trì, thật sự kiên trì. Từ ngày gắn mình vào thứ cây cầu kỳ này, ông Ba tự nhận mình như người cha chăm con mọn. Ngày nào ông cũng túc trực ở vườn nho, làm giàn, vun gốc, cắt tỉa, làm cỏ, bón phân, tưới nước, bắt sâu... Là người có tiếng về trồng cây ăn quả ở đất Mai Pha, ông Ba đánh giá nho là loại cây trồng phức tạp và tốn nhiều công sức nhất.

Mưa sẽ làm giảm đi 10% chất lượng của nho.

Khi phát hiện cây nho bị sâu bệnh phá hoại, ông Ba tỉ mẩn đi từng cây để tìm trứng sâu. Phát hiện ra ổ trứng sâu nào ông lấy tay xát thật mạnh để chúng không thể sinh sôi được nữa. Ông dự kiến, sau khi vụ nho này kết thúc sẽ trồng xen kết hợp dâu tây ngay phía dưới bề mặt luống. Ông Ba cho rằng dâu tây ưa ẩm và bóng râm nên trồng dưới tán nho rất thích hợp, vừa để hạn chế cỏ, hạn chế sâu bệnh cho cây nho, vừa là phương pháp canh tác kết hợp trên đất Mai Pha.

Để nho Mai Pha có thương hiệu riêng như ngày hôm nay, ông Ba cũng không ít lần thất bại, mất mát, thậm chí có năm mất trắng cả vụ. Đó là năm 2015, đúng lúc nho được thu hoạch thì lũ kéo nhau về, mưa tầm tã nhiều ngày đêm, những cây nho chỉ ưa nắng ráo lần lượt rũ quả. Theo giải thích của ông Ba, khi nho chín mà gặp axit trong nước mưa sẽ bị nứt quả, héo dần rồi tự rụng. Ông Ba chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận, vì chẳng thể nào cãi lại được thiên nhiên.

Mô hình trồng nho của gia đình ông Hoàng Văn Ba ngày càng được nhiều người ở các tỉnh lân cận quan tâm như: Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình...Họ tìm đến tận nơi mua giống và xin học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, với hai mô hình ở Quảng Bình và Bắc Ninh ông cử con trai trực tiếp vào tận nơi để hướng dẫn người dân cách trồng. Theo ông Ba, các mô hình tuy còn nhỏ nhưng bước đầu đều thành công, mở ra hướng đi mới cho người nông dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật