Bí thư quận 5 làm Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Nguyễn Văn Hiếu, 45 tuổi, Bí thư Quận uỷ quận 5 được Ban thường vụ Thành uỷ điều động giữ chức Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bí thư quận 5 làm Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên (giữa) trao quyết định cho ông Nguyễn Văn Hiếu và ông Nguyễn Mạnh Cường chiều 22/1. Ảnh: Hữu Công.

Quyết định của Ban thường vụ Thành uỷ được Bí thư Nguyễn Văn Nên trao cho ông Hiếu chiều 22/1, thời hạn giữ chức vụ của ông Hiếu là 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu quê Bình Định; trình độ chuyên môn thạc sĩ Quản lý Giáo dục, Cử nhân Luật, Cử nhân Hành chính.

Tháng 1/2016, ông Hiếu được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương khóa 12. Trước đó, ông Hiếu từng giữ chức Bí thư Thành đoàn TP HCM, Bí thư Quận uỷ quận 2; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ và Bí thư quận uỷ quận 5 từ tháng 5/2020.

Cùng ngày, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng trao quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư quận uỷ Thủ Đức làm Bí thư quận uỷ quận 5 thay ông Nguyễn Văn Hiếu.

Trước đó, sáng nay tại kỳ họp thứ nhất, HĐND TP Thủ Đức đã bầu ông Hoàng Tùng, 41 tuổi, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè làm Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhiệm kỳ 2021 - 2026; HĐND TP Thủ Đức cũng bầu các ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (43 tuổi, Phó chủ tịch UBND quận 2), Nguyễn Kỳ Phùng (55 tuổi, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ), Nguyễn Hữu Anh Tứ (Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức) giữ chức Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Kỳ họp sáng nay cũng bầu ông Nguyễn Phước Hưng (53 tuổi, Bí thư Quận uỷ quận 2) làm Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức và bà Thái Mỹ Diện (43 tuổi, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức) làm Phó chủ tịch HĐND TP Thủ Đức.

Bộ máy chính quyền TP Thủ Đức sẽ hoạt động từ ngày 22/11. TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM có diện tích hơn 211 km2, dân số hơn một triệu người được thành lập ngày 1/1/2021 theo Nghị quyết 1111/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích và dân số 3 quận phía Đông 2, 9 và Thủ Đức.

TP Thủ Đứcđược thành lập theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (hiệu lực từ ngày 1/1/2021) trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, rộng khoảng 211 km2 và một triệu người. Sau 60 ngày, thành phố mới phải hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, không làm ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp.

Việc lập TP Thủ Đức được kỳ vọng góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thành phố mới dự kiến đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM và 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Đây cũng được cho sẽ là động lực tăng trưởng mới cho thành phố và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi) dự kiến là nơi làm việc của UBND - HĐND TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận 9 (số 2/304 xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) là nơi làm việc của Thành ủy TP Thủ Đức; trụ sở UBND quận Thủ Đức (số 43 Nguyễn Văn Bá) là nơi làm việc của MTTQ và các đoàn thể TP Thủ Đức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật