Bị luận tội lần hai, điều gì xảy ra tiếp theo với ông Trump?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi bị luận tội lần hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chờ phiên xét xử ở Thượng viện và phiên xét xử này có thể sẽ rất khác so với lần đầu tiên khi ông được “trắng án“.
Bị luận tội lần hai, điều gì xảy ra tiếp theo với ông Trump?
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chủ trì phiên bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump ngày 13/1. (Ảnh: EPA)

Với tỷ lệ 232-197 phiếu, Hạ viện Mỹ ngày 13/1 đã thông qua luận tội Tổng thống Donald Trump với điều khoản luận tội duy nhất - "kích động B.L". Quyết định này khiến ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần. Đến nay, tổng cộng 3 tổng thống Mỹ từng bị luận tội gồm Andrew Johnson (1868), Bill Clinton (1998) và Donald Trump (2019) và đều được tuyên trắng án. Năm 1974, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã từ chức để tránh kịch bản bị quốc hội luận tội và kết tội.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ký thông qua bản luận tội ông Trump khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn một tuần nữa. Rắc rối với ông Trump sẽ chưa dừng lại ở đó.

Xét xử tại Thượng viện

Sau khi thông qua luận tội, Hạ viện sẽ gửi bản luận tội lên Thượng viện để chuẩn bị cho quá trình xét xử Tổng thống Trump tại đây. Phe Dân chủ kêu gọi Thượng viện tiến hành xét xử luận tội Tổng thống ngay lập tức.

Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ chỉ làm việc trở lại từ ngày 19/1. Ngoài ra, Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, quá trình xét xử ông Trump sẽ được thực hiện sau ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden (20/1). Điều này đồng nghĩa với việc, quá trình xét xử ông Trump sẽ diễn ra vào những ngày đầu nhiệm sở của ông Biden hay khi ông Trump đã hết nhiệm kỳ. Quá trình xét xử này có thể kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần. Điều đó làm dấy lên lo ngại quá trình xét xử ông Trump sau ngày 20/1 có thể khiến quốc hội Mỹ không thể tập trung hoàn toàn cho chương trình nghị sự của ông Biden.

Cựu tổng thống có thể bị kết tội không?

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu ông Trump có thể bị xét xử và kết tội khi đã hết nhiệm kỳ không. (Ảnh: Reuters)

Theo quy định của hiến pháp Mỹ, nếu bị Thượng viện kết tội, tổng thống sẽ bị phế truất ngay lập tức và sau đó Thượng viện có thể tiến hành thêm một cuộc bỏ phiếu với số phiếu quá bán để ngăn tổng thống bị phế truất tái tranh cử hay giữ chức vụ trong chính quyền liên bang về sau.

Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu Thượng viện Mỹ có thể xét xử và kết tội một cựu tổng thống hay không vì chưa có tiền lệ nào.

Hiến pháp Mỹ nêu, việc kết tội chỉ áp dụng với "quan chức dân sự", nghĩa là người còn đương chức vào thời điểm xét xử, luận tội. Trong trường hợp ông Trump bị xét xử sau ngày 20/1, lúc này ông đã mãn nhiệm và trở thành một công dân bình thường. Do vậy, ông J. Michael Luttig, cựu thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang khu vực 4 của Mỹ, cho rằng theo hiến pháp Mỹ, ông Trump không thể bị luận tội sau ngày 20/1. 

Ngược lại, nhiều học giả cho rằng việc kết tội cựu tổng thống là hợp hiến. Họ viện dẫn ví dụ, năm 1876, Bộ trưởng chiến tranh của Mỹ William Belknap đã từ chức chỉ vài phút trước khi Hạ viện luận tội ông và Thượng viện vẫn tiến hành xét xử. Kết quả là ông Belknap bị tuyên có tội. Thượng viện Mỹ lý giải, họ có thẩm quyền tiến hành xét xử một cựu công chức.

Do vẫn còn nhiều tranh cãi về việc quốc hội có thể kết tội một cựu tổng thống hay không, nên giới quan sát cho rằng, ông Trump có thể sẽ theo đuổi một cuộc chiến pháp lý tại tòa án liên bang để thách thức quyết định xét xử ông sau khi mãn nhiệm. Các nguồn thạo tin cho biết, ông Trump đang cân nhắc chọn John Eastman, một chuyên gia luật từng hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của ông, đảm nhận vai trò biện hộ cho ông tại phiên xét xử.

Ông Trump có thể mất một số quyền lợi

Trong quá trình xét xử tại Thượng viện, nếu ít nhất 2/3 trong số 100 thượng nghị sĩ ủng hộ bản luận tội của đảng Dân chủ, thì ông Trump sẽ bị kết tội. Nghĩa là để kết tội ông Trump cần sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa. Sau đó, Thượng viện có thể bỏ phiếu tiếp để cấm ông Trump tái tranh cử trong tương lai. Ông Trump nhiều lần phát tín hiệu sẽ tái tranh cử vào năm 2024, nhưng với tình hình hiện nay, tham vọng đó của ông sẽ khó thành hiện thực.

Bị kết tội khi chưa hết nhiệm kỳ thì ông Trump sẽ bị phế truất, nhưng nếu bị kết tội khi đã mãn nhiệm thì ông Trump có thể chỉ bị cấm tái tranh cử và mất một số quyền lợi dành cho cựu tổng thống như lương hưu trọn đời, ngân sách hỗ trợ chi phí đi lại hàng năm, hỗ trợ lập văn phòng và trả lương nhân viên trên đất Mỹ. Một quyền lợi sẽ không bị ảnh hưởng kể cả khi ông Trump bị kết tội đó là được Mật vụ bảo vệ trọn đời.

Ông Trump có dễ bị kết tội?

10 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu luận tội ông Trump, nhưng hiện tại mới chỉ có 1 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ kết tội ông ở Thượng viện. (Ảnh: Getty)

Hạ viện đã dễ dàng thông qua luận tội ông Trump khi 10 nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía Dân chủ, ủng hộ luận tội ông. Tuy nhiên, bỏ phiếu kết tội ở Thượng viện có thể không đơn giản như vậy.

Hiện tại đảng Dân chủ giữ 48 ghế ở Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa giữ 50 ghế. Số ghế của đảng Dân chủ sẽ tăng lên 50 khi hai thượng nghị sĩ đắc cử của bang Georgia tuyên thệ nhậm chức, cộng thêm với lá phiếu mang tính quyết định của Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris - người sẽ đồng thời là Chủ tịch Thượng viện. Để có được lá phiếu ủng hộ kết tội ông Trump của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa không đơn giản dù vụ biểu tình bạo loạn ở quốc hội tuần trước khiến một số nghị sĩ Cộng hòa "quay lưng" lại với Tổng thống sắp mãn nhiệm.

Đầu năm 2020, ông Trump được Thượng viện tuyên trắng án sau khi bị Hạ viện luận tội. Khi đó, không thượng nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ kết tội ông Trump. Lần này, tính đến ngày 13/1 mới chỉ có một thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ kết tội vị tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật