Tàu lặn mất tích có thể hé lộ chiến lược tàu ngầm Trung Quốc

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tàu lặn được vớt ngoài khơi Indonesia có thể cho thấy công nghệ, tuyến hoạt động cũng như chiến lược của tàu ngầm Trung Quốc, theo giới chuyên gia.
Tàu lặn mất tích có thể hé lộ chiến lược tàu ngầm Trung Quốc
Tư lệnh hải quân Indonesia (giữa) giới thiệu tàu lặn được ngư dân vớt hôm 20/12/2020. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc hồi năm 2016 thu giữ một tàu lặn không người lái (UUV) của hải quân Mỹ trên Biển Đông, cáo buộc Washington tiến hành "hoạt động do thám tầm gần" nhằm đối phó Bắc Kinh.

Tình thế giờ đã thay đổi, khi ngư dân Indonesia vớt được ba UUV của Trung Quốc trong hai năm qua, lần gần nhất diễn ra tại vùng biển trên eo biển Sunda, gần quần đảo Selayar thuộc tỉnh Nam Sulawesi, miền trung Indonesia hôm 20/12/2020. Thiết bị có dòng chữ "viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc" đã được chuyển cho căn cứ hải quân Indonesia ở Makassar để nghiên cứu.

Malcolm Davis, chuyên gia phân tích chiến lược quốc phòng tại viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng phát hiện này là rất đáng chú ý, bởi eo biển Sunda là một trong những tuyến hàng hải then chốt trong khu vực, cho phép tàu ngầm Trung Quốc có thể di chuyển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương trong trạng thái lặn.

Ông cho rằng Trung Quốc đang tìm cách bảo đảm khả năng triển khai tàu ngầm từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương hoặc phía bắc và tây Australia cho những xung đột tiềm tàng trong tương lai.

"Tàu lặn này có thể đang thu thập dữ liệu định vị thủy âm (sonar) để xây dựng bản đồ độ sâu chính xác về đáy biển, cũng như dùng cảm biến ghi nhận nhiệt độ nước biển và điều kiện thủy âm, giúp tàu ngầm Trung Quốc cải thiện khả năng di chuyển qua eo Sunda mà không bị phát hiện", Davis nói.

Người dùng mạng xã hội Indonesia nhanh chóng phát hiện điểm tương đồng giữa tàu lặn này với mẫu Sea Wing được Trung Quốc đưa vào sử dụng năm 2014. Nó mang nhiều cảm biến nghiên cứu hải dương, cho phép đo hướng và độ mạnh của dòng hải lưu, cũng như nhiệt độ, nồng độ oxy và độ mặn nước biển. Các UUV Trung Quốc dường như được triển khai từ tàu thăm dò Xiangyanghong 06 trong nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên Trung Quốc tiến hành.

Việc phát hiện UUV Trung Quốc cho thấy tiến bộ của nước này trong phát triển thiết bị lặn không người lái, cũng như cách Bắc Kinh chuẩn bị cho chiến tranh dưới lòng biển.

"Sự hiện diện của UUV cho thấy Trung Quốc đang triển khai tàu ngầm tới những khu vực đó để thu thập tin tức tình báo và cải thiện khả năng tác chiến trong những vùng biển này. Bắc Kinh có thể muốn tuần tra những vùng biển quanh Indonesia nhằm phục vụ nỗ lực mở rộng tầm tác chiến cho tàu ngầm của họ", Timothy Heath, chuyên gia an ninh thuộc tập đoàn Rand có trụ sở tại Mỹ, nêu quan điểm.

Vị trí ba tàu lặn được tìm thấy gần Indonesia trong hai năm qua. Đồ họa: Google Maps.

Davis cho rằng hoạt động của UUV là dấu hiệu thể hiện Trung Quốc dự định triển khai tàu ngầm ở những vùng biển xa bờ. "Hiểu biết môi trường dưới biển tại những yết hầu và eo biển như Sunda sẽ giúp tăng hiệu quả đối phó tàu ngầm và lực lượng rải thủy lôi của đối phương", ông cho hay.

Công nghệ UUV Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ, nhưng Bắc Kinh đang tích cực rút ngắn khoảng cách với Washington.

Hải quân Trung Quốc hồi năm 2019 ra mắt tàu lặn không người lái cỡ lớn HSU-001, có kích thước và tải trọng vũ khí gần bằng mẫu Orca Mỹ. Nó có thể vận hành tự động ở xa bờ để thu thập dữ liệu môi trường và do thám lực lượng đối phương. Cuối năm 2019, tàu lặn Sea-Whale 2000 của Trung Quốc cũng hoàn tất đợt chạy thử dài 37 ngày liên tục trên Biển Đông, vượt qua quãng đường hơn 2.011 km.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật