Clip: “Biệt đội” bắt chuột tình nguyện

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù thời vụ thu hoạch lúa mùa đã qua nhưng đội bắt chuột tình nguyện ở thôn Đông, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) vẫn ngày ngày ra quân diệt chuột.
Clip: “Biệt đội” bắt chuột tình nguyện
Vào dịp cuối tuần, đội đi bắt chuột cả ban ngày

Xem Video: "Biệt đội" bắt chuột tình nguyện

Bảo vệ mùa màng

Ở xã Hồng Lạc có 5 tổ bắt chuột nhưng hiệu quả nhất là đội thôn Đông. Thôn có 14 người của 6 hộ tham gia đội đánh bắt chuột tự nguyện. Đội được thành lập từ tháng 8.2019. Những người tham gia đều là lao động chính trong gia đình. Ban ngày họ đi làm công nhân, làm thợ xây ở các nơi, tối về tập trung lại cùng nhau đi bắt chuột từ 19 giờ đến 22 giờ. Lúc đầu đi buổi tối nhiều người rất ngại vì còn chăm lo con cái học hành, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, việc bắt chuột đã trở thành thói quen. Ông Đoàn Văn Huế, một thành viên bắt chuột ở thôn Đông cho biết những năm trước nạn chuột phá hoại mùa màng làm cho nhiều người dân trong xã mất ăn mất ngủ. Nhiều hộ chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nhưng cuối cùng mất trắng. "Với mong muốn bảo vệ lúa của nhà mình, lúc đầu chúng tôi cùng nhau bắt chuột trên thửa ruộng của gia đình. Sau đó thấy hiệu quả nên chúng tôi đánh bắt ở khắp cánh đồng", ông Huế nói. Nhiều năm liền cấy lúa không được ăn, chị Bùi Thị Xuân ở thôn Đông rất bức xúc vì: "Lũ chuột rất khôn, chúng không ăn mồi bẫy. Vì vậy, phải bắt từng con một".

Ngoài các buổi tối, cả đội còn bắt vào ban ngày cuối tuần. Theo những người có kinh nghiệm, buổi tối dễ bắt hơn vì lúc đó chuột đi kiếm ăn. Khi gặp ánh đèn soi vào chúng sẽ bị quáng. Ban ngày cũng có nhiều chuột nhưng bắt sẽ mệt hơn.

Đi bắt chuột, mỗi người mang theo một chiếc gậy để đập vào bờ cỏ, bụi rậm cho chuột chạy ra ngoài mới bắt sống. Vào ngày mùa, có hôm họ không kịp về nhà ăn trưa vì chờ máy gặt. Cả đội trực bắt bằng được "giặc" chuột mới về. Mùa gặt, mỗi ngày đội bắt từ 30-40 kg chuột, vào ngày thường từ 5-7 kg. Trong năm 2020 đội đã bắt được gần 2 tấn chuột. Cũng nhờ đó, năng suất lúa ở xã Hồng Lạc nâng lên rõ rệt. Lúa nếp đạt 1,7 tạ/sào, lúa tẻ khoảng 2,6 tạ/sào, trong khi năm 2019, năng suất lúa chỉ bằng một nửa so với năm 2020.

Đặc sản

Để bắt được từng con chuột còn sống phải mất nhiều công sức. Chỉ cần một thành viên trong đội phát hiện có chuột là cả đội đuổi theo bắt bằng được. Họ đánh bắt khắp cánh đồng lúa, những vồng vải và mương nước. Có những lúc họ chỉ rà rà từng ngọn cỏ đánh động cho chuột chạy ra ngoài để bắt, nhưng có lúc hô hào như đánh trận. 

Với nhiều người, chuột đồng còn là món ăn đặc sản. Mỗi buổi đi bắt về được ít thì cả đội lại làm thịt, thui vàng óng chế biến thành những món ngon thơm phức như giả cầy, quay, rang muối... Người nào không tinh thì khó nhận ra đây là thịt chuột. Có người thấy ngon liền đặt thịt chuột theo ngày. Cứ có đơn đặt hàng là đội lại tập trung đi bắt. Chuột đồng khác chuột nhà là thơm ngon, béo ngậy chứ không bị hôi. Nếu có người đặt, đội sẽ làm thịt sẵn, sạch sẽ. Người mua chỉ cần mang về chế biến thành những món ăn theo sở thích. Giá bán thịt chuột từ 300.000-350.000 đồng/kg sau khi đã làm sạch sẽ. Chị Xuân cho biết đi bắt chuột cũng như đi tập thể dục. Mọi người cùng nhau bắt, hô hào, vừa vui lại khỏe người.

Anh Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết mặc dù mỗi năm địa phương đều nhận được hỗ trợ của cấp trên về thuốc diệt chuột nhưng không trừ được tận gốc. Xã đã thành lập các đội đánh bắt chuột và khuyến khích người dân bắt thủ công, hạn chế chuột sinh sản, phá hoại. Nếu như trước đây nhiều nơi phải thuê đội đánh bắt chuột bảo vệ mùa màng thì nay nhiều người đã tập trung lại đánh bắt tự nguyện vì đây là việc nên làm để bảo vệ nông sản của chính gia đình họ và chuột cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ có họ mà lúa năm 2020 được mùa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật