Dùng trâu ép mía tạo mật

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân huyện Vũ Quang dùng trâu kéo trụ sắt ép mía lấy nước để nấu mật, thu mỗi vụ hơn 30 triệu đồng.
Dùng trâu ép mía tạo mật
Ảnh minh họa

Xem Video: Quy trình dùng sức trâu ép mía tạo mật

Giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, người dân xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang ra đồng chặt mía chở về nhà ép lấy nước nấu mật. Trung bình, mỗi gia đình sở hữu từ một sào đến hơn một ha. Cây mía trồng sau một năm cho thu hoạch.

Vào vụ, anh Nguyễn Văn Dũng (41 tuổi, góc trái) và vợ Thái Thị Hải Yến (35 tuổi, ở thôn 1, xã Thọ Điền), thường dậy từ 5h để gom mía vào bếp và ép. Khác với nhiều hộ trong thôn, gia đình anh Dũng duy trì việc dùng sức trâu ép mía nấu mật hơn 10 năm nay, đây là nghề truyền thống anh kế thừa từ bố mẹ.

Nơi sản xuất mật mía của vợ chồng anh Dũng là căn bếp rộng khoảng 50 m2. Ở giữa gian bếp có hai trụ sắt cao khoảng 60 cm, đường kính 25 cm đặt cạnh nhau; một trụ có trục xoay, xung quanh nẹp cố định bằng gỗ. Anh Dũng dùng thanh gỗ dài 3 m nối với trụ có trục xoay và buộc vào cổ trâu. Khi trâu di chuyển vòng quanh, trụ sắt sẽ quay, cây mía được bỏ vào khe hở nhỏ của hai trụ sắt sẽ bị ép bẹp để lấy nước.

Con trâu cái của gia đình anh Dũng 6 tuổi, đến nay đã giúp gia đình ép mía tạo mật được 4 năm.

Toàn xã Thọ Điền có hàng trăm hộ dân làm nghề nấu mật mía, song đa số dùng máy cơ giới ép mía, ít người vận dụng sức trâu. Một vụ làm mật kéo dài từ 15-20 ngày.

Trụ sắt ép mía được bố mẹ anh Dũng sử dụng khoảng 30 năm trước. Trụ có 4 ổ bi, thỉnh thoảng một vài viên bi bị vỡ phải thay mới, còn bộ khung chưa lần nào hỏng hóc.

Ở phía bên trái của trụ sắt có một đường dẫn nhỏ, phía dưới đặt xô nhựa để nước mía chảy vào.

Cứ 30 phút, con trâu kéo trụ sắt ép được khoảng 20 lít nước mía. Chị Yến đem xô nước đổ vào bể lọc ở trên bếp để bắt đầu quá trình nấu mật.

Chiếc chảo lớn dùng để nấu mật đặt trên bếp, hai bên có hai thùng nhôm với màng lọc đựng nước mía thô.

Nước từ thùng nhôm chảy qua vòi xuống nồi được đun sôi trong 2 tiếng và lọc lại khoảng 3-4 lần cho sạch. Gia chủ phải túc trực vớt bọt để nước không bị trào ra bếp, sau đó nấu tiếp 4 tiếng nữa tạo mật.

Một bó mía được cho vào trụ sắt ép đi ép lại khoảng 4 lần. Khi bã mía hết nước, chị Yến gom lại đem ra sân phơi khô để làm củi.

"Nhiều hộ đã áp dụng máy móc công nghiệp để quá trình ép mía lấy nước được nhanh hơn, song tôi vẫn muốn dùng sức trâu để duy trì nét văn hóa truyền thống của quê hương", anh Dũng nói và cho hay, nếu dùng máy móc, trong 5 tiếng ép được hơn một tấn mía cây, vận dụng sức trâu chỉ đạt năng suất 3-4 tạ. Việc làm thủ công phù hợp với hộ làm ăn nhỏ lẻ.

10h mỗi ngày, việc ép mía lấy nước kết thúc, con trâu được nghỉ ngơi cho đi ăn cỏ. Anh Dũng cùng các thành viên trong gia đình túc trực bỏ củi vào bếp để đun sôi nồi mật mía.

Sau gần 6 tiếng, nồi mật mía chín, sủi bọt và nổ tanh tách. Lúc này chị Yến, vợ anh Dũng rửa sạch gáo và xô nhựa bằng nước sôi rồi múc mật vào xô. Một ngày vợ chồng chị Yến dùng sức trâu ép được hơn 200 lít nước mía, nấu được 30-35 lít mật. Một lít mật mía bán giá 45.000 đồng.

"Mật của gia đình tôi được đánh giá là sạch sẽ, thơm ngon, ai ăn thử một lần đều quay lại mua lần hai", chị nói.

Chị Yến cùng anh Dũng và bố chồng (đứng giữa) múc mật mía vào xô nhựa đem để nguội, chờ đóng chai.

Tô mật mía đặc quánh sau khi để nguội. "Trung bình một vụ tôi thu về 30-35 triệu đồng tiền bán mật", anh Dũng cho hay.

Mật mía thường được người dân địa phương sử dụng để kho thịt, kho cá, làm bánh ngào, bánh khảo, nấu chè…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật